Đến trưa 26/4, 59 địa phương cho học sinh đi học trở lại trong tháng 4 và đầu tháng 5, Hà Nội và TP HCM chưa quyết định. Năm học 2019-2020, hơn 22 triệu học sinh cả nước mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng tránh Covid-19. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hai lần điều chỉnh khung thời gian năm học. Thời điểm kết thúc năm học được lùi đến trước ngày 15/7, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.
Xung quanh câu chuyện "Cho trẻ đi học lại bây giờ có quá sớm?", nhiều độc giả VnExpress vẫn bày tỏ nỗi băn khoăn, lo lắng:
Hiện nay, có bao nhiêu ca tái nhiễm, và con virus này nguy hiểm như thế nào chưa ai biết được. Nếu chúng ta nới lỏng kiểm tra thì nguy cơ bùng dịch lần hai, khi ấy Việt Nam sẽ vỡ trận, rất khó duy trì nền kinh thế như bây giờ. Một em học sinh nhiễm bệnh, kéo theo cả trường khoảng 500 em lây theo, cùng với đó 500 gia đình liên lụy, tương đương 1.000 người dân trong độ tuổi lao động. Tôi có hai con đi học, tuy nghỉ ở nhà vất vả nhưng tôi còn thấy yên tâm khi con được khỏe mạnh. Chúng ta nên chậm mà chắc. Hãy nhìn Mỹ, sinh viên đại học sau một buổi tiệc đã có hơn 90% nhiễm bệnh. Hiện nay con số tử vong của Mỹ cao gấp bao nhiêu lần Trung Quốc?
Học là cần thiết, nhưng học mà bệnh thì cái hại lớn hơn. Cũng gần giống như nới lỏng giãn cách xã hội để tăng trưởng kinh tế khi so sánh với siết chặt quản lý để bảo vệ tính mạng cho người dân, cái nào cần hơn?
Bây giờ mà cho học sinh đi học lại thì sẽ rất khó lường bởi trường hợp tái dương tính của virus này khá nhiều. Rất mong thành phố và tất cả tỉnh thành trên cả nước có thể xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo sức khoẻ của tất cả con em chúng ta.
>> Cho trẻ đi học lại bây giờ có quá sớm?
Có quan điểm trái ngược, không ít ý kiến lại ủng hộ việc sớm để học sinh cả nước trở lại trường sau khi Việt Nam bước đầu kiểm soát được dịch bệnh lây lan:
Ai có con trong tuổi đi học thời gian qua dều rất lo lắng, dù sao các cháu đã nghỉ hơn ba tháng rồi. Thời gian này, Việt Nam cũng đã ổn định về các ca nhiễm, vì vậy theo tôi hãy kiểm soát thật chặt từ đầu vào, và các em nên đến trường vào đầu tháng 5. Nếu được, nhà trường thử cho các em học nửa lớp học sáng, nửa lớp học chiều và giãn khoảng cách ngồi ra 2 m, hạn chế nói chuyện trong giờ học, đeo khẩu trang trong suốt thời gian học, có vách ngăn bàn ăn... Làm thật nghiêm túc, tôi nghĩ sẽ hạn chế được lấy nhiễm trong môi trường học đường.
Chính quyền phòng chống tốt, người dân biết sợ và có ý thức phòng bệnh, nguồn bệnh trong cộng đồng ít, trong khi đó, trẻ em mới là đối tượng biết vâng lời, có ý thức hơn người lớn. Chúng ta khắt khe với trẻ nhỏ nhưng lại nuông chiều người lớn. Cái gì cũng có ngưỡng, dựa vào thông tin dữ liệu để đánh giá tình hình, không thể đánh giá theo cảm tính được. Nên cho học sinh đi học lại và dựa vào từng giai đoạn tiếp theo để quyết định tiếp.
Phải ngăn dịch bệnh từ bên ngoài. Còn bên trong cho học sinh đi học và mọi hoạt động cần được trở lại bình thường càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, cái bình thường cần được đi kèm các công tác phòng dịch: đeo khẩu trang, rửa tay đo thân nhiệt hàng ngày. Các lớp học cần tách biệt nhau, không cho các hoạt động toàn trường.
Các cơ quan, công sở, nhà máy cũng nên cô lập từng phân xưởng, từng bộ phận, hạn chế tiếp xúc trực tiếp các bộ phận khác nhau. Cả xã hội đều phải đeo khẩu trang khi giao tiếp, tránh nhưng sự kiện, hội nghị lớn không cần thiết, trường hợp bắt buộc phải có quy định để phòng chống dịch. Khi phát sinh dịch phải lập tức cô lập nhóm để xử lý. Không thể để kinh tế khủng hoảng, nếu không người dân cũng như chính quyền cũng không còn nguồn lực để sống, chứ đừng nói chống dịch.
Theo tôi, Việt Nam đã khoanh vùng và dập dịch tốt. Giờ là lúc cho học sinh đi học, người lao động đi làm. Cả nước chuyển qua giai đoạn sống chung và có ý thức cao về phòng tránh Covid. Điều tôi e ngại là hàng chục ngàn người từ nước ngoài sẽ về nước. Tất nhiên, họ sẽ phải cách ly, nhưng với số lượng quá đông sẽ có nguy cơ lây chéo. Theo tôi, trừ những người lao động ở nước ngoài hết hạn tất nhiên phải đón về, còn du học sinh và những đối tượng khác không nên về. Có vậy học sinh đi học mới yên tâm.
>> Giải pháp giúp đảm bảo khoảng cách 1,5 m giữa các học sinh
Trong khi đó, số khác lại chia sẻ những giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường lớp:
Nếu cho học sinh đi học lại phải đảm bảo các yếu tố:
1. Kiểm soát nguồn bệnh nhập từ bên ngoài vào: hiện giờ số người di chuyển vào không ít và tình hình diễn biến dịch của các nước đang phức tạp.
2. Đảm bảo công tác giữ gìn vệ sinh tốt: tình hình các nhà vệ sinh, các phòng học quá tệ, quá dơ, đậy là vấn đề nan giải đã nói đi nói lại hàng năm vẫn không thay đổi tại các trường. Hiện giờ, các bé cấp 1, 2 ý thức chưa cao. Cơ sở vật tư thấp kém của các trường công quá kém, quản lý cũng yếu, không có chi phí. Các trường tư vấn đề vệ sinh có phần tốt hơn.
3. Rủi ro và kế hoạch nếu có ca nhiễm tại trường như thế nào: cần có hướng dẫn cụ thể và quy định trách nhiệm, tránh trường hợp đến khi xảy ra lại đỗ lỗi cho nhau.
Ai cũng vậy, cũng muốn cuộc sống dần ổn định nhưng cần thực hiện có ý thức, trách nhiệm, chứ tình hình hiện giờ như kiểu phủi tay.
Việc cho trẻ đi học nên làm từng giai đoạn, bắt đầu từ những bạn cuối cấp, sau đó là toàn thể các cấp học. Có hai cấp học cần hết sức lưu ý:
1. Mầm non, với lứa tuổi này nhận thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh bằng 0. Con mình lúc nào cũng dặn ba mẹ "ra ngoài đeo khẩu trang, nhớ đem 2-3 chiếc, cởi ra là thay cái khác liền, nói chuyện cách xa 2 m, rửa tay thường xuyên...". Nhưng liệu khi đi học, bé có ý thức "đeo khẩu trang thường xuyên và nói chuyện cách xa 2 m"? Chưa kể việc ăn bán trú tại trường nhiều rủi ro.
2. Bậc đại học cũng nên chia ra nhập học theo từng tuần: năm nhất, năm hai, năm ba, năm tư, để kiểm soát tốt tình hình sức khỏe của các sinh viên đến từ nhiều tỉnh thành, sống trong ký túc xá. Nếu nhập học ồ ạt, lỡ bỏ qua một trường hợp, coi như trường đại học đó trở thành ổ dịch ngay tức khắc.
Chúng ta phải cho các bạn, các em, các trẻ đi học. Nhưng đừng vì 1-2 buổi học mà công sức, tiền bạc "chống giặc" bao tháng trời đổ sông đổ biển, dịch mà bùng phát thì hậu quả sẽ khôn lường.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.