Ngày 4/10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi mưa to do tác động của không khí lạnh và gió đông trên cao. Sau nhiều tháng khô hạn, đất đai nứt nẻ, mưa mang lại niềm vui cho người dân miền Trung. Nhưng họ không ngờ đó lại là khởi đầu cho chuỗi ngày thiên tai liên tiếp.
Ngày 5/10, dải hội tụ nhiệt đới nối từ vịnh Bengal tới vùng biển Philippines, vắt qua Trung Bộ bắt đầu hình thành. Dải hội tụ tồn tại nhiều xoáy thấp, một trong số đó phát triển thành bão Linfa (bão số 6), đổ bộ Quảng Nam - Quảng Ngãi ngày 11/10. Bão chỉ cấp 7-8, nhưng gây mưa rất to từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam.
Lũ sông lên nhanh, đỉnh lũ trên sông Hiếu ở Đông Hà (Quảng Trị) ngày 8/10 đã vượt lũ lịch sử năm 1983 là 0,11 m; đỉnh lũ trên sông Bồ tại Phú Ốc (Thừa Thiên Huế) ngày 9/10 vượt đỉnh lũ năm 1999 là 0,06 m. Hơn 130.000 nhà dân, chủ yếu ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ngập từ 0,3 đến 3 m.
Dòng nước đục ngàu từ đất liền ào ào đổ ra biển, đẩy những con tàu ở cửa sông trôi ra xa mắc cạn, hoặc bị chìm. Ngày 7-8/10, Quảng Trị ghi nhận 6 tàu thuyền gặp sự cố, trong đó tàu Vietship 01 gồm 12 thuyền viên mắc cạn ở cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh, cách bờ biển khoảng 400 m.
Sau ba ngày đưa ra nhiều phương án tiếp cận, nhưng bất thành do sóng to, đến 11/10 trực thăng và đặc công nước đưa 7 thuyền viên, một ngư dân bị kẹt khi ra cứu nạn vào bờ, 4 người tự bơi vào bờ trước đó, một người tử vong. Giải thích sự cố ngay gần bờ, song việc cứu nạn chậm, nhà chức trách Quảng Trị cho hay khu vực này luồng cạn, trong khi nước lũ chảy xiết khó lường, phương tiện hiện đại không thể tiếp cận mà chỉ có thể dựa vào tàu cá của ngư dân giàu kinh nghiệm.
Ngày 11/10, Biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới mới, do phát triển từ xoáy thấp trên dải hội tụ, sau đó mạnh lên thành bão Nangka (bão số 7). Hướng lên phía Bắc, tương tác với khối không khí lạnh khô, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào các tỉnh từ Thái Bình tới Thanh Hóa ngày 14/10. Hoàn lưu trước bão kết hợp với không khí lạnh tiếp tục gây mưa rất to cho miền Trung, lũ các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế dâng cao.
Lúc 0h ngày 12/10, trong lúc công nhân thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, đang ngủ thì nửa ngọn núi cao hơn 120 m đổ sập xuống, san phẳng nhà điều hành. 17 công nhân bị vùi lấp, 40 người khác chia thành nhiều tốp vượt hơn 10 km đường rừng với vô số đoạn sạt lở sang Rào Trăng 4 lánh nạn. Vài ngày sau, họ được cứu bằng đường thủy và đường bộ.
Đang đi kiểm tra tình hình mưa lũ ở huyện Phong Điền, nhận tin công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 mất tích, thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, dẫn đầu đoàn công tác 21 người vào hiện trường lên phương án cứu hộ. 23h ngày 12/10, khi cách Rào Trăng 3 khoảng13 km, đoàn vào Trạm kiểm lâm 67, xã Phong Xuân, nghỉ chân dưới dãy nhà cấp bốn mái tôn.
0h ngày 13/10, sau tiếng nổ lớn, đất đá từ trên núi ầm ầm đổ xuống, vùi lấp Trạm Kiểm lâm 67, 13 người mất tích, trong đó có thiếu tướng Man, còn lại là sĩ quan, cán bộ chính quyền. 8 người khác may mắn thoát kịp.
Tất cả 13 thi thể ở Trạm kiểm lâm 67 được tìm thấy chiều 15/10, riêng 17 công nhân ở Rào Trăng 3 vẫn chưa thể tiếp cận do trời mưa liên tục, đường 71 dẫn vào có hàng chục điểm sạt lở. Đến nay, nhà chức trách mới tìm thấy 5 thi thể.
Ngày 18/10, khi Quân khu 4 chuẩn bị tổ chức lễ tang cho các sĩ quan hy sinh ở Trạm Kiểm lâm 67 thì nhận được tin quân nhân Đoàn Kinh tế quốc phòng 337 ở xã Hướng Phùng (Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) đang làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai gặp nạn. Lúc 1h, ngọn núi đổ xuống các gian nhà nơi 27 quân nhân đang nằm ngủ. 5 người được cứu ra ngoài, 22 người bị vùi lấp gồm 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sĩ.
Hàng trăm người gồm quân đội, công an và các đơn vị liên quan tham gia cứu hộ trong điều kiện mưa to, đường vào hiện trường bị chia cắt và núi tiếp tục sạt. Đến 14h30 ngày 19/10, tất cả thi thể được tìm thấy. Chờ nhận thi thể con trai Lê Thế Linh, một trong số quân nhân hy sinh, bà Lương Thị Lý đứng không vững. Bà không thể ngờ thời bình mà con trai và đồng đội phải nằm xuống.
Miền núi đối diện sạt lở đất, vùng đô thị, ven biển miền Trung lại trải qua đợt mưa lũ mới, xô đổ nhiều kỷ lục. Đỉnh lũ trên sông Hiếu tại Đông Hà (Quảng Trị) lúc 3h ngày 18/10 lên 5,36 m, vượt lũ lịch sử năm 1983 tới 0,78 m; đỉnh lũ trên sông Thạch Hãn lúc 2h ngày 18/10 là 7,4 m, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,11 m. Mực nước trên sông Kiến Giang tại huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) lúc 6h ngày 19/10 là 4,88 m, vượt 0,97 m so với đỉnh lũ lịch sử năm 1999.
Nước vừa rút trong đợt lũ trước thì từ ngày 18 đến 20/10, hơn 177.000 nhà dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị lại bị ngập 1-4 m. Nhiều cụ già ở Hà Tĩnh nói 40 năm qua mới chứng kiến cơn lũ lịch sử tàn phá khủng khiếp đến vậy, nhiều nhà dân xói lở, chơ vơ như ốc đảo sau khi lũ rút, hàng nghìn con trâu bò, lợn gà trôi theo dòng nước.
Tại Quảng Bình, hai cơn lũ dồn dập trong hai tuần khiến nhiều người kiệt sức. Dòng nước cuồn cuộn từ sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, gây ngập nhà giữa lúc gia đình đang tổ chức tang lễ cho mẹ chồng, chị Lê Thị Trang, 28 tuổi, trú đội 4, thôn Đại Phong cùng anh em họ hàng buộc phải treo quan tài lên trần nhà trong nhiều ngày, chờ lũ rút để chôn cất.
Trong lúc mưa chưa ngớt thì tối 20/10, bão Saudel (bão số 8) hình thành vào Biển Đông và tan trên vùng biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị vào ngày 25/10. Hoàn lưu sau bão may mắn không gây mưa lớn cho miền Trung.
Hai ngày sau, 27/10, bão Molave (bão số 9) vào Biển Đông, đạt cực đại tới 195 km/h (cấp 17), mạnh nhất trong 20 năm qua ở vùng biển miền Trung. Bão di chuyển rất nhanh, cường độ mạnh và phạm vi ảnh hưởng rộng.
Sáng 28/10, bão Molave đổ bộ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, khiến sóng biển dâng cao 5 m, gió giật cấp 14-15, hơn 56.000 ngôi nhà tốc mái, 400 xã phường, thị trấn thuộc 10 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên mất điện. Sau 7 tiếng quần thảo trên đất liền, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa rất to cho Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Các ngọn núi ở xã Trà Leng, Trà Vân (huyện Nam Trà My) và Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) liên tục bị sạt lở, chôn vui nhiều khu dân cư. Tại xã Trà Leng, 33 người sống sót, 8 thi thể được tìm thấy, còn 12 người mất tích. Tại xã Trà Vân, sạt lở khiến 8 người chết. Ở xã Phước lộc, đất đá vùi lấp 11 người, còn 6 nạn nhân mất tích, hiện trường chưa thể tiếp cận do các ngả đường bị sạt lở.
Thoát nạn sau khi bị đất đá, cây gỗ từ trên núi đổ về và đẩy đi 30 m, ông Nguyễn Thành Sơn đau đớn khi nhìn thấy thi thể vợ được tìm thấy dưới vài mét bùn lẫn đất cây ở thôn 1 xã Trà Leng. Ông Sơn không thể tưởng tượng trong phúc chốc hàng chục hộ dân bỗng mất người thân, nhà cửa tan hoang.
Đến tối 28/10, Nghệ An và Hà Tĩnh mưa to do không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao. Nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều vùng bị cô lập, nhà dân ngập sâu 0,5-2 m. Hơn 4.000 hộ dân ở hai tỉnh này được sơ tán khỏi khu vực ngập lụt và sạt lở đất. May mắn đợt lũ thứ ba ở miền Trung rút nhanh, đến chiều 1/11 đã xuống báo động một.
Ba đợt lũ vào các ngày 6-13/10, 18-20/10 và 28-30/10 cùng hàng loạt vụ sạt lở đất ở miền Trung đã cướp đi 159 sinh mạng, 71 người khác đang mất tích. Riêng đợt mưa sau bão Molave đã làm 29 người chết, 51 người mất tích, chủ yếu do sạt lở đất, tàu chìm ở Quảng Nam, Bình Định.
Chính quyền và người dân các tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào đến Quảng Ngãi đang gượng dậy sau bão lũ và chuẩn bị đối phó với bão Goni, khả năng vào Biển Đông vào ngày 2/11 và ảnh hưởng đến miền Trung.