Vào đất liền muộn hơn dự báo một tiếng, 11h mới đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định, tuy nhiên, từ 9h sáng ảnh hưởng của bão Molave đã khiến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên mưa có mưa to, gió giật mạnh.
Với sức gió cấp 12 (133 km/h), giật cấp 14-15 khi vào đất liền, Molave được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua, hơn cả bão Damrey vào miền Trung năm 2017. Nguyên nhân do đường di chuyển của bão không có chướng ngại vật, nước biển ấm, áp cao không khí lạnh suy yếu.
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng sớm tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa to với lượng mưa phổ biến 50-120 mm.
Tại bờ biển Quy Nhơn gió giật mạnh liên hồi. Cửa khách sạn, nhà dân gần biển rung lắc. Không một ai dám ra đường. Trên đường Xuân Diệu dọc biển, một vài cây xanh bị ngã. Sóng biển cuồn cuộn dâng cao.
Quốc lộ 1A đoạn từ đèo Cổ Mã (giáp Phú Yên) tới trạm thu phí Cam Ranh đang bị chặn khiến xe cộ ùn ứ hai đầu Bắc Nam. Theo các tài xế, việc chặn xe bắt đầu từ 3h để đảm bảo an toàn, tránh xe qua lại khu vực tâm bão Movale.
7h30, khu vực xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có gió rất lớn, liên tục đập vào mái nhà tạo thành tiếng rít. Các con đường vắng người qua lại. Nhiều dãy hàng quán ven biển bị gió cuốn tung mái che, cây đổ chắn ngang đường. Dọc bờ biển sóng biển đánh vào bờ cao 5 m.
Tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam gió giật từng đợt khiến cây cối uốn cong, những ngôi nhà lợp bằng mái tôn rung bật, phát ra tiếng lớn. Toàn thành phố điện đã cắt điện, trên các tuyến đường không có người qua lại.
Hàng loạt cây xanh ngã do gió quật trên đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn, Bình Định. Toàn thành phố Quy Nhơn cúp điện.
8h, TP Tuy Hòa, Phú Yên mưa tầm tã, gió rít liên hồi. Những hàng cây dọc đường Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, Nguyễn Du... bị gió cuốn nghiêng ngả. Quán sá, đường phố vắng vẻ, nhiều cửa hàng đóng cửa. Nhiều người dân sống trên đường Nguyễn Tất Thành căng dây, đưa lốp xe lên mái tôn để chằng chống nhà cửa.
Thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Phú Yên đã có 29 xã, phường, thị trấn ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, huyện Đông Hoà, TP Tuy Hoà bị mất điện.
Hai xe tăng thiết giáp chở đoàn phòng chống lụt bão của Bộ Quốc phòng đã xuất phát từ Trạm 99 - TP Tuy Hòa đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh.
8h10, Gia Lai, Kon Tum bắt đầu mưa to, đường phố vắng người qua lại, một số cây đã bị ngã. Cùng lúc này, ở Đà Nẵng, mưa bắt đầu lớn, gió giật liên hồi. Trong căn nhà trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê), anh Hiếu (29 tuổi) cảm nhận mái tôn ở tầng ba bị gió đánh vào "ầm ầm". "Tôi có cảm giác như nhà bị tốc mái một góc rồi, nhưng gió bão thế này không thể lên kiểm tra", anh nói.
Các khu xung quanh, gió cũng quật nhiều cây xanh nghiêng ngả. Ở trước trường tiểu học Trần Cao Vân (trên đường Hoàng Hoa Thám), một cây bàng không được cắt tỉa trước bão có nguy cơ bị gãy trước những đợt gió lớn. Trên nhiều tuyến phố lớn như Lê Duẩn, Hàm Nghi... nhiều người không dám ra đường.
8h30, gió lớn xuất hiện ở các tỉnh miền Trung từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, gió mạnh hơn một giờ trước kèm theo mưa. Những ngôi nhà lợp mái tôn cảm nhận rõ từng đợt gió rít, mái nhà bị giật lên phát ra tiếng lớn. Trên nhiều tuyến phố Tam Kỳ, nhiều cây xanh bị bão quật ngã.
Tại TP Quảng Ngãi, gió giật mạnh. Nhiều cây xanh bảng hiệu ngã. Tại các khu vực ven biển như Tịnh Khê, Sa Kỳ nhiều nhà đã tốc mái, nước biển cao hơn 5 m. Người đi đường bị gió quật ngã, phải dắt bộ xe. Các huyện như Bình Sơn, Đức Phổ gió bắt đầu rít, giật mạnh liên hồi.
"Tôi ở đây hơn 30 năm mà lần đầu tiên thấy cơn bão to thế này, mặc dù nghe tâm bão vẫn chưa đổ bộ", bà Thắng, ở trên đường Quang Trung, TP Quảng Ngãi, nói.
9h, đã có 230 xã, phường bị mất điện do ảnh hưởng của bão Molave, trong đó tập trung chủ yếu tại Phú Yên: 37 xã; Quảng Nam: 56 xã,; Quảng Ngãi: 94 xã; Thừa Thiên - Huế: 23 xã...
Hai tàu Bình Định bị chìm từ tối qua cùng 26 ngư dân vẫn chưa thể liên lạc được.
9h30, TP Tam Kỳ, Quảng Nam có mưa lớn, kèm theo gió giật mạnh liên tục. Mái tôn nhiều ngôi nhà được chất bao tải cát, túi bóng chứa nước nhưng vẫn bật lên. Một số nhà để xe, nhà xưởng lợp bằng tôn bị thổi bay. Người dân đóng cửa cố thủ trong nhà chờ bão qua.
Cách Tam Kỳ 150 km, huyện miền núi Nam Trà My giáp tỉnh Kon Tum cũng đã có mưa to, gió lớn. Thống kê ban đầu từ các xã hơn 20 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn. Người dân được đưa đến cơ quan công sở trú tránh.
Các tuyến đường ở TP Hội An ngập sâu. Toàn tỉnh Bình Định cúp điện.
10h30, TP Pleiku, Gia Lai, mưa to kèm gió mạnh khiến cây xanh đổ ngổn ngang. Ông Nguyễn Hữu Quế, Chủ tịch UBND TP Pleiku, cho biết, trưa nay một người dân khi ghé trú mưa gió ở ven đường Nguyễn Viết Xuân thì bị mái nhà bay trúng, bị thương.
11h, bão Molave đổ bộ đất liền miền Trung. Các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, hàng loạt cây xanh bị ngã đổ, hàng trăm căn nhà, trường học, công trình bị tốc mái, nhiều mái tôn bị thổi bay xuống đường, nước sông dâng cao. Đường phố không bóng người qua lại, người dân cố thủ trong nhà.
Nước sông từ thượng nguồn dâng cao, cuốn trôi cầu sắt (dài khoảng 30 m) bắc qua sông nằm trên tuyến đường liên huyện, nối giữa xã Đăk Pne với trung tâm huyện Kon Rẫy làm gần 1.500 người dân 3 thôn ở xã Đăk Pne bị chia cắt hoàn toàn. Rất may, không có thiệt hại về người.
Đến 13h, bão vẫn hoành hành nhiều nơi ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai. Một số nơi, sau khi mưa tạnh, gió ngớt, người dân bắt đầu trở về nhà trước đường phố ngổn ngang, nhà cửa tan hoang...
Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lớn và gió giật mạnh đã khiến 400 xã, phường, thị trấn thuộc 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên bị mất điện. Một đường dây trung thế và 1 cột điện trung thế ở Phú Yên cũng bị gió bão làm đứt, gãy.
Tỷ lệ mất điện tại các tỉnh: Đà Nẵng 47%, Quảng Nam 71%, Quảng Ngãi 100%, Bình Định 93%, Phú Yên 55%, Gia Lai 20% và một số tỉnh khác ít hơn.
Thiệt hại về người do bão bước đầu ghi nhận 2 người bị thương ở Bình Định. Về nhà cửa, gió mạnh đã giật sập hoàn toàn 3 ngôi nhà và khiến 485 nhà, một trường học bị tốc mái.
Xem diễn biến chính