Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ - Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết như trên sáng 12/10.
Sự việc bắt đầu từ 3h sáng 8/10, tàu Vietship 01 neo đậu ở cảng Cửa Việt bị nước lũ cuốn trôi ra biển, mắc cạn cách bờ hơn 400 m và chìm dần, chỉ còn phần cabin, ống khói và giàn sắt phía sau tàu nổi trên mặt nước. Ngày hôm sau, quan sát từ đất liền thấy thấp thoáng các thuyền viên đeo bám ở cabin và giàn sắt. Chủ tàu thông tin trên Vietship 01 có 12 thuyền viên. Hiện trường sóng to, gió lớn và trời mưa liên tục đã hạn chế tầm nhìn, gây khó khăn cho việc cứu hộ, cũng như khiến hầu hết thuyền viên không dám nhảy xuống bơi vào bờ.
Ông Phạm Văn Tỵ cho hay, ngay khi nhận được thông tin tàu Vietship 01 gặp nạn (sáng 8/10) tại Cửa Việt, đơn vị đã cử hai đoàn công tác, thiết lập sở chỉ huy tại hiện trường, phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan lên phương án cứu hộ.
Ông Tỵ nói Bộ Quốc phòng đã điều hai tàu hải quân đi cứu nạn lúc 14h ngày 8/10, nhưng "gặp sóng cao 4 đến 5m đánh dạt; hơn nữa khu vực tàu Vietship 01 mắc cạn mực nước nông, tàu hải quân không thể tiếp cận".
Trong hai ngày 8 và 9/10, các phương án dùng tàu hải quân, tàu kiểm ngư và tàu cá chở ngư dân địa phương ra giải cứu đều bất thành.
Chiều 10/10, trực thăng cứu hộ và đặc công được điều động đến hiện trường. Trong đó, trực thăng cất cánh từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) lúc 14h46, vào sân bay Đồng Hới nạp dầu bổ sung, sau đó bay đến vị trí tàu Vietship 01 rải trang thiết bị cứu sinh, lương thực cho thuyền viên và ngư dân mắc kẹt.
Trực thăng cũng thiết lập một sợi dây từ con tàu vào đất liền (khoảng cách 400 mét), nhằm giúp các chuyến tàu cá cứu hộ kết hợp với sợi dây này đưa các thuyền viên và ngư dân mắc kẹt trên tàu hàng vào bờ.
"Khi đó gió cấp 6-7, trực thăng không thể bay đứng ở một vị trí để thả dây kéo các thuyền viên lên, nếu dây mắc vào tàu có thể rơi, nguy hiểm tính mạng cả kíp bay. Lực lượng cứu hộ tính toán đủ điều kiện mới có thể cứu hộ, nếu không tổn thất về người sẽ còn nặng nề hơn", ông Tỵ nói.
Lúc18h54 ngày 10/10, do thời tiết về đêm phức tạp nên máy bay rời vị trị cứu hộ, về sân bay Đồng Hới túc trực.
Sáng 11/10, trực thăng và lực lượng đặc công tiếp tục triển khai cứu hộ. Lúc này "thời tiết vẫn rất nguy hiểm, nhưng tình thế cấp bách vì tính mạng của người dân nên các cán bộ, chiến sĩ vẫn quyết tâm cứu bằng được", theo ông Phạm Văn Tỵ.
Về việc triển khai cứu hộ của địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị thông tin, nửa đêm 8/10, tỉnh có văn bản đề nghị Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn điều động trực thăng đến cứu các thuyền viên.
Ngoài ra, tỉnh triển khai phương tiện tại chỗ (tàu cá), kết hợp kinh nghiệm, sức khoẻ của ngư dân. "Phía ngoài hiện trường là bãi cạn, phía trong kè đá, sóng biển cao từ 4 đến 5 mét, dòng nước lũ chảy rất xoáy và mạnh nên phương tiện cứu hộ hiện đại không thể tiếp cận tàu mắc cạn", Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Biên phòng Quảng Trị nói.
Trong hai ngày 9 và 10/10, tỉnh Quảng Trị đã huy động 3 tàu cá của ngư dân, trong đó một tàu bị chìm khi ra đến hiện trường. "Do tập quán nghề biển, một số ngư dân không đồng ý hỗ trợ tàu cá (bán cho chính quyền để sử dụng cứu hộ) nên việc vận động họ mất nhiều thời gian. Mặt khác, một số ngư dân có kinh nghiệm, có khả năng đi biển trong thời tiết mưa gió thì không được người nhà đồng ý", ông Phương nói thêm.
"Tỉnh đã sử dụng hết các các phương án cũng như khả năng của lực lượng tại chỗ", ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nói và cho rằng lực lượng cứu nạn tại địa phương còn thiếu thốn nhiều mặt, nhất là phương tiện, trang thiết bị. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm trang thiết bị để lực lượng tại chỗi ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố thiên tai.
Sau khi tàu Vietship 01 cùng 12 thuyên viên mắc cạn ở cảng Cửa Việt, sáng 9/10, 2 thuyền viên mang áo phao bơi vào bờ. 10 thuyền viên còn lại dùng dây cột người vào các thanh sắt, mang phao và cố gắng cầm cự.
18h chiều 9/10, 2 thuyền viên khác bị sóng đánh rơi xuống biển, bơi được vào bờ. Sáng 10/10, 4 ngư dân đi tàu đánh cá ra biển để cứu 8 người trên tàu hàng, tuy nhiên đến gần hiện trường thì bị sóng đánh chìm. Một ngư dân bơi được vào bờ, 3 người kẹt lại tàu chìm. Chiều cùng ngày, 2 ngư dân được một tàu cá khác đưa vào bờ, một người vẫn kẹt lại. Tối cùng ngày, một thuyền viên sóng đánh trôi và tử vong sau đó.
Sáng 11/10, sau 40 phút, trực thăng quân đội đưa 6 thuyền viên lên bờ an toàn, 2 người khác nhảy xuống biển được đặc công dìu vào.
Hoàng Táo - Tất Định