Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ , Phó chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho biết thông tin trên, chiều 13/10.
Trưa 12/10, nhà chức trách Thừa Thiên Huế nhận điện thoại của một người dân báo tin hơn 10 công nhân đang thi công thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) bị vùi lấp do sạt lở đất.
Chiều cùng ngày, lực lượng Quân khu 4, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế và đoàn công tác của UBND tỉnh gồm hơn 20 người đi vào vị trí thủy điện trên, nhằm xác minh sự việc. Đoàn do Phó tư lệnh Quân khu 4, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, dẫn đầu.
Do mưa lũ, sạt lở, suối chảy bất thường nên đoàn cứu hộ hành quân rất khó khăn. Lúc 23h ngày 12/10, đoàn báo về còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 13 km. Thời tiết xấu, trời tối và mưa lớn nên đoàn quyết định vào Trạm kiểm lâm số 7 thuộc tiểu khu 67 (đóng trên đường di chuyển) nghỉ chân.
Tuy nhiên, giữa đêm đã xảy ra vụ sạt lở đất tại vị trí hai căn phòng của lực lượng cứu hộ đang nghỉ. Chỉ một số trong hơn 20 người may mắn thoát khỏi hiện trường vụ sạt lở và quay về.
"Chúng tôi đã liên lạc được với 8 người, 13 người đang mất tích. Hiện các lực lượng tiếp tục tổ chức tìm kiếm", Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ cho hay.
Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập Sở chỉ huy tiền phương tại trụ sở UBND xã Phong Xuân, cách công trường thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 30 km, để chỉ đạo việc tiếp cận các điểm sạt lở và thủy điện.
Phương án được lựa chọn là một mũi chở công binh bằng xe cơ giới đi theo đường 71; mũi thứ hai đi xuồng cao tốc theo đường thủy từ nhà máy thủy điện Hương Điền xuống.
Phương án sử dụng máy bay trực thăng đang được nghiên cứu. Thiếu tướng Vũ Văn Kha, Quyền Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, nói hiện nay việc cứu hộ, cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3 là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng của Quân chủng. Không quân vận tải và không quân trực thăng đã có mặt tại đây và đang thực hiện nhiệm vụ.
Lực lượng chức năng đã huy động 7 xe đào múc, 2 xe ủi, 3 xe cứu thương cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ tham gia cứu hộ. Sở chỉ huy tiền phương kiến nghị Chính phủ hỗ trợ địa phương một xe cứu hộ đa năng, một xuồng cao tốc công suất 4.500 CV, máy phát có đèn pha 10 chiếc, 30 phao bè, 10 máy cắt thủy lực, 20 máy cưa cầm tay.
Nguồn tin địa phương cho hay, do trời mưa lớn nên tuyến đường vào thủy điện Rào Trăng 3 có hơn 10 điểm sạt lở lớn, 4 con suối nước chảy siết.
Chiều 13/10, đoàn công tác của Trung ương do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đã vào địa phương để chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường.
Gần 10 ngày qua, Thừa Thiên Huế và một số tỉnh như Quảng Trị, Quảng Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ. Mưa kéo dài liên tục, kết hợp thuỷ điện xả lũ khiến nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế chìm trong biển nước.
Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 nằm trên dãy núi thuộc xã Phong Xuân, huyện Phong Điền có công suất lắp máy 11MW, tổng vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha, trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.
Hoàng Thùy - Võ Thạnh - Nguyễn Đắc Thành - Đức Hùng