Vụ sạt lở được một người dân báo tin cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh vào ngày 12/10. Người này cho biết nhóm công nhân hơn 10 người đang thi công thủy điện Rào Trăng 3, bất ngờ bị vùi lấp do sạt lở đất. Qua điện thoại, người báo tin nói phải leo lên đồi cao mới có sóng để gọi đến cơ quan chức năng. Sau đó, điện thoại người dân này mất liên lạc.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, Quân khu 4 và địa phương trong hôm qua đã điều hai nhóm cứu hộ vào hiện trường. Do trời mưa lớn nên dọc quãng đường 20 km vào thủy điện có hơn 10 điểm sạt lở lớn, 4 con suối nước chảy siết. Nhóm cứu hộ thứ hai phải quay ra do thời tiết xấu, giao thông bị chia cắt. Đến nửa đêm, một số thành viên của nhóm cứu hộ thứ nhất mất liên lạc.
Sáng nay, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Doãn Anh, đã họp cùng lực lượng cứu hộ, bàn phương án tiếp cận khu vực thủy điện.
Nhà chức trách huy động một số xe múc, xe cẩu và thiết giáp mở đường vào hiện trường. Lương thực, thực phẩm, thiết bị y tế cũng được chuẩn bị.
Ngoài ra, Công ty Thủy điện Rào Trăng 3 dự kiến thuê trực thăng để phục vụ công tác cứu hộ, nhưng gặp trở ngại bởi trời mưa liên tục.
Đến 10h30 sáng 13/10, các lực lượng vẫn chưa tiếp cận được hiện trường do lượng đất đá sạt lở lớn, nước suối dâng cao. "Thủy điện Rào Trăng 3 nằm giữa rừng, đường vào chủ yếu là đèo dốc", ông Trần Văn Toàn, Phó chủ tịch xã Phong Xuân (huyện Phong Điền) nói.
Sáng nay, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và các đơn vị liên quan khẩn trương chỉ đạo các lực lượng, phương tiện để tìm kiếm, cứu nạn kịp thời.
Thừa Thiên Huế và một số tỉnh miền Trung khác như Quảng Trị, Hà Tĩnh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt mưa lũ gần 10 ngày qua. Mưa kéo dài liên tục, kết hợp thuỷ điện xả lũ khiến nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế chìm trong biển nước.
Võ Thạnh