Mệt mỏi là một triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư và là tác dụng phụ của một số phương pháp điều trị ung thư. Mệt mỏi do ung thư không chỉ là cảm giác mệt mỏi hoặc buồn ngủ mà bạn có thể cảm thấy như thiếu năng lượng quá mức ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI), mệt mỏi liên quan đến ung thư thường dữ dội hơn mệt mỏi thông thường. Ngay cả khi bạn thường xuyên ngon giấc, nghỉ ngơi đầy đủ, có những giấc ngủ trưa nhưng mệt mỏi do ung thư vẫn không được cải thiện nhiều.
Ung thư có thể gây ra mệt mỏi theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào loại và giai đoạn bệnh. Nó có thể do nhiều yếu tố như thiếu máu, nồng độ hormone cao hoặc thấp, căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, thiếu chất dinh dưỡng hoặc calo do cảm giác thèm ăn thấp, thiếu hoạt động thể chất, mất khối lượng cơ, rối loạn giấc ngủ...
Với bệnh nhân ung thư, mệt mỏi khi điều trị có thể do một tác dụng phụ của hóa trị liệu, bức xạ, phẫu thuật, liệu pháp nội tiết tố và sinh học, thuốc giảm đau. Trong khi điều trị, cơ thể bạn cần thêm năng lượng để chữa lành và phục hồi các mô bị tổn thương. Một số phương pháp điều trị chẳng hạn như hóa trị gây ra sự tích tụ độc tố trong cơ thể. Một số liệu pháp khác còn có thể ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ, thức của bệnh nhân.
Cách giảm mệt mỏi do ung thư
Để giảm căng thẳng, mệt mỏi do ung thư, bạn có thể tham khảo một số gợi ý của tờ Healthline (Mỹ).
Tập thể dục
Khi bạn cạn kiệt năng lượng, tập thể dục có thể khó khăn nhưng nó rất hữu ích. Một đánh giá năm 2018 ở châu Âu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ đã so sánh những người sống sót sau ung thư đã tập thể dục với những người không tập thể dục. Các nhà nghiên cứu kết luận tập thể dục, đặc biệt là tập thể dục nhịp điệu thường xuyên giúp giảm mệt mỏi do ung thư.
Một nghiên cứu năm 2014 của Đại học California Los Angeles (UCLA) cũng cho thấy, tập thể dục có thể giúp giảm mệt mỏi do ung thư, cả trong và sau khi điều trị, bao gồm cả thói quen tập thể dục nhịp điệu. Các bài tập có lợi cho người bệnh ung thư như đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đi xe đạp.
Giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm
Có rất nhiều ứng dụng hướng dẫn bạn cách thiền định bằng cách ngồi yên lặng và cố gắng tự giải tỏa tâm trí của mình. Ngoài thiền, yoga cũng rất có ích, bệnh nhân có thể tham gia lớp tập yoga trực tiếp hoặc trực tuyến. Tuy nhiên, người bệnh nên lưu ý các bài tập nhẹ nhàng để góp phần hồi phục sức khỏe, tránh quá sức.
Một nghiên cứu năm 2014 xem xét lợi ích của giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm ở 35 người sống sót sau ung thư. Họ được chia thành hai nhóm, trong đó, những người tham gia thiền, yoga giảm tình trạng mệt mỏi hơn so với nhóm đối chứng trong thời điểm một tháng và 6 tháng. Họ cũng có sự cải thiện trong giấc ngủ, giảm lo lắng, phiền muộn.
Châm cứu
Một nghiên cứu năm 2020 bao gồm 9 thử nghiệm ngẫu nhiên đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ. Sáu trong số những thử nghiệm đó đã báo cáo sự cải thiện đáng kể tình trạng mệt mỏi liên quan đến ung thư với châm cứu. Hai báo cáo các tác dụng phụ nhỏ như bầm tím và chảy máu tại chỗ, nhưng không có phản ứng phụ nghiêm trọng nào. Châm cứu cũng có thể hỗ trợ điều trị các triệu chứng liên quan đến ung thư khác. Tuy nhiên, bệnh nhân nên nói chuyện với bác sĩ trước khi thực hiện biện pháp này hoặc để đảm bảo châm cứu an toàn.
Ngủ trưa
Mặc dù ngủ trưa sẽ không chữa được chứng mệt mỏi mạn tính, nhưng những giấc ngủ ngắn có thể giúp bạn cải thiện tình trạng mệt mỏi tạm thời. Tuy nhiên, bạn không nên ngủ trưa quá gần giờ đi ngủ buổi tối vì có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ. Bạn nên tập thói quen đi ngủ cùng một giờ mỗi ngày để dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
Cố gắng ăn đủ chất
Ngay cả khi bạn không cảm thấy thèm ăn, thậm chí chán ăn nhưng phải cố găng ăn uống cân bằng, đầy đủ vitamin và chất dinh dưỡng và uống nhiều nước. Bạn có thể hỏi ý kiến của bác sĩ có nên sử dụng thực phẩm chức năng hay không.
Kim Uyên
(Theo Healthline)