Nước bọt có vai trò làm ẩm, loại bỏ thức ăn thừa giúp sạch miệng và tiêu hóa thức ăn. Nước bọt cũng ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách kiểm soát vi khuẩn và nấm trong miệng. Miệng dễ khô, khó chịu nếu không tiết đủ nước bọt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như tác dụng phụ của thuốc, tổn thương tuyến nước bọt, tổn thương dây thần kinh vùng đầu và cổ do chấn thương hoặc phẫu thuật. Mất nước do sốt, đổ mồ hôi, nôn ói, hút thuốc, thở bằng miệng cũng làm khô miệng.
Dấu hiệu cảnh báo như cảm giác khô rát, ngứa miệng, cổ họng hoặc lưỡi, thường xuyên khát nước, xuất hiện vết loét bất thường ở miệng, khó nếm, nhai và nuốt, hơi thở có mùi.
Người bị khô miệng, hơi thở nặng mùi có thể ngậm kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường, nhất là những loại có xylitol. Một số cách khác góp phần tăng tiết nước bọt như ngậm đá bào hoặc đá viên trong 20 giây hoặc hơn nếu chưa cảm thấy lạnh.
Uống nước có tác dụng giữ ẩm và làm loãng chất nhầy trong miệng, cổ họng. Người bị khô miệng nên uống nhiều nước lọc mỗi ngày, tăng cường sau mỗi bữa ăn. Bên cạnh nước lọc, dùng thêm súp, canh, nước hầm xương, nước ép trái cây, ưu tiên các món mềm, mát cũng cung cấp nước cho cơ thể.
Dùng kem đánh răng và nước súc miệng có fluoride và đến nha sĩ khám định kỳ để sớm phát hiện răng sâu, hư hỏng - yếu tố tăng nguy cơ khô miệng. Tránh dùng nước súc miệng có chứa cồn cao - những thành phần này khiến miệng khô hơn. Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm, đánh trên răng và nướu đều đặn.
Nên thở bằng mũi thay vì thở bằng miệng, trừ trường hợp vận động mạnh như tập thể dục, nghẹt mũi. Thở bằng miệng làm tăng khả năng khô miệng, nặng mùi hơi thở. Vào buổi tối, sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng giúp chất lượng không khí trong phòng ngủ tốt hơn.
Tránh thực phẩm mặn, khô như bánh quy giòn, bánh mì nướng, bánh quy, bánh mì khô, cá khô, trái cây sấy khô, đồ uống có hàm lượng đường cao. Hạn chế các món có tính axit như chanh, cam, giấm.
Tránh đồ uống có cồn hoặc caffeine như cà phê, trà, soda, đồ uống có chứa chocolate, rượu vì có tác dụng lợi tiểu, dễ gây mất nước.
Thuốc lá không có lợi cho sức khỏe răng miệng, khiến hơi thở có mùi. Người bị khô miệng tiếp tục hút thuốc thì tình trạng sẽ nặng hơn.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |