Trả lời:
Thừa cân và béo phì là sự tích tụ chất béo bất thường hoặc quá mức trong cơ thể. Tình trạng này khiến cơ thể trẻ mất cân đối, chậm chạp, nặng nề, trẻ dễ tự ti. Béo phì thường đi kèm với rối loạn chuyển hóa lipid máu, cholesterol tăng gây xơ vữa mạch máu, lâu dài dẫn tới tăng huyết áp, nặng hơn là đột quỵ. Tình trạng này cũng dễ gây rối loạn chuyển hóa đường máu dẫn tới mắc tiền đái tháo đường, đái tháo đường. Trẻ bị béo phì còn dễ bị rối loạn nhịp thở, ngủ ngáy, khó thở, ngưng thở khi ngủ.
Béo phì còn khiến hệ cơ xương chịu trọng lực lớn dẫn tới chậm phát triển của xương, cong xương, chậm tăng cao. Trẻ thừa cân, béo phì thường do ăn quá nhiều năng lượng từ carbohydrate như bánh kẹo, thức uống chứa nhiều đường, tinh bột..., hoặc từ chất béo như đồ ăn xào rán, thức ăn chế biến sẵn. Tuy vậy, nhiều trẻ khó từ bỏ thói quen này dẫn đến khó giảm cân hiệu quả.
Yêu cầu quan trọng đối với trẻ thừa cân, béo phì là giảm cân nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng, tăng chiều cao tối ưu. Theo đó, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
Khẩu phần ăn của trẻ cần cân đối, hợp lý, phối hợp đa dạng nhiều loại thức ăn: Trẻ nên cắt giảm tinh bột, đường, thay vì vậy ăn nhiều hơn rau xanh. Mỗi trẻ nên có thực đơn cụ thể theo tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng.
Nên uống sữa không đường: Nếu trẻ trên 7 tuổi có thể lựa chọn sữa không đường, tách béo để vẫn đảm bảo nhu cầu canxi cung cấp từ bữa ăn hàng ngày mà không cung cấp nhiều năng lượng.
Lưu ý khi chế biến: Khi chế biến thức ăn cần hạn chế các món rán, xào, nên chế biến các món ăn ít dầu mỡ. Bé không nên ăn da và nội tạng động vật, nên ưu tiên phần nạc.
Khi ăn bé nên nhai kỹ, ăn chậm. Trẻ không bỏ bữa, không kiêng khem nhịn đói vì khi trẻ đói sẽ ăn nhiều vào bữa sau sẽ làm tích lũy mỡ nhanh hơn.
Nên ăn nhiều hơn vào buổi sáng và tránh ăn vặt ở trường: Các món ăn vặt ở trường như xiên rán, trà sữa, bánh kẹo là những thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng. Một suất trà sữa có thể cung cấp tới 500kcal, có thể bằng đến 30-50% tổng nhu cầu năng lượng hàng ngày ở trẻ.
Tăng cường thêm các thực phẩm dạng thô, giàu chất xơ: Cụ thể như các loại khoai, rau xanh, trái cây tươi ít ngọt (thanh long, mận (gioi), táo, bưởi...) để cung cấp cho trẻ nhiều chất xơ, bổ sung thêm lượng vitamin, khoáng chất dễ tiêu hóa, chống táo bón, giúp trẻ no lâu hơn. Khi ăn trái cây nên ăn dạng miếng, múi, có thể ăn cả vỏ chứ không nên ép lấy nước.
Ngược lại, trẻ nên tránh uống nước ngọt có nhiều đường, nước ngọt có ga, sữa đặc có đường, hạn chế các loại bánh ngọt, kẹo, mứt... Ba mẹ không nên dự trữ sẵn trong gia đình quá nhiều thức ăn giàu năng lượng như socola, bánh, kẹo, nước ngọt... vì trẻ thường khó tự kiểm soát chế độ ăn của bản thân, đặc biệt là ăn đêm muộn trước khi ngủ.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, phụ huynh nên cố gắng đồng hành cùng trẻ trong vận động thể chất, như đi bộ, chơi bóng rổ, bơi lội, cầu lông... ít nhất 30-60 phút mỗi ngày. Ba mẹ cũng nên động viên trẻ giúp đỡ các công việc gia đình đơn giản như lau dọn nhà cửa, tưới cây. Bé không nên có thời gian tĩnh tại nhiều như xem ti vi, chơi điện tử, xem phim...
Ngoài ra, giấc ngủ cũng quan trọng, trẻ cần ngủ sớm, ngủ đủ, ngủ sâu giấc giúp kiểm soát cân nặng và tối ưu chiều cao cho trẻ.
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương
Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome