Mỗi bệnh lý cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, trong đó, có những thực phẩm nên ăn và nên kiêng. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết người bệnh men gan cao cần kiêng ăn những thực phẩm làm kích thích hoặc tăng nặng phản ứng gây viêm và làm tổn thương gan.
Rượu, bia: Đồ uống này chứa nhiều cồn (ethanol) từ quá trình lên men ngũ cốc. Khi uống, ethanol sẽ được gan chuyển hóa thành axit axetic để cơ thể đào thải ra bên ngoài. Tuy nhiên, quá trình chuyển hóa này có thể tạo ra acetaldehyde - một chất độc có thể gây viêm, tổn thương hoặc thậm chí đẩy nhanh chu trình chết của gan. Do đó, người bệnh men gan cao nên kiêng rượu vì khiến gan tổn thương, men gan tăng mạnh hơn.
Thực phẩm nhiều chất béo bão hòa: Chất béo bão hòa (mỡ gia súc, mỡ gia cầm, cholesterol, trans fat...) làm tăng lượng mỡ tích tụ xung quanh cơ quan nội tạng, bao gồm cả gan. Ăn quá nhiều thức ăn giàu chất béo bão hòa dẫn đến tích tụ mỡ gan nhiều hơn so với ăn thức ăn giàu chất béo không bão hòa, kèm theo gia tăng men gan, lượng mỡ trong máu.
Ngược lại, tiêu thụ chất béo không bão hòa (dầu thực vật, mỡ cá béo...) không làm tăng mỡ gan, men gan hay gây ra tác động tiêu cực đến mỡ máu. Người bệnh men gan cao nên dùng những thực phẩm chứa nhiều omega 3, 6, 9 như dầu ô liu, dầu đậu nành, bơ thực vật, quả bơ và mỡ cá béo để cải thiện chỉ số men gan.
Thực phẩm, đồ uống nhiều đường: Chế độ ăn giàu fructose (loại đường chứa nhiều trong các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga, hoa quả sấy khô chứa nhiều đường...) có khả năng gia tăng tỷ lệ mỡ gan và ung thư gan cao hơn chế độ ăn thông thường. Hợp chất endotoxin rò rỉ từ ruột do ăn chế độ giàu đường fructose có thể kích thích các tế bào miễn dịch tăng sản xuất protein gây viêm, dẫn đến việc tăng chuyển đổi fructose thành mỡ trong gan, làm tăng men gan.
Thực phẩm chứa nhiều muối: Người bệnh men gan cao không nên ăn quá mặn, chứa nhiều muối bởi khi tiêu thụ quá nhiều (trên 5 g muối mỗi ngày) có thể gây tăng huyết áp và lượng nước trong cơ thể. Điều này làm gia tăng áp lực lên gan (do gia tăng sự tích nước), khiến cho chức năng lọc, đào thải độc tố của gan bị suy giảm. Muối cũng ức chế tiến trình sản xuất collagen ở gan, dễ khiến cơ quan này nhanh xơ hóa, làm tình trạng men gan cao tồi tệ hơn.
Thực phẩm nhiều carb tinh chế: Carb tinh chế (tinh bột nhanh) là cơm trắng, gạo tẻ, bún, miến, phở, hủ tiếu... Người bệnh men gan cao cần kiêng các thực phẩm này vì khi ăn chúng, cơ thể sẽ nhanh chóng phân giải thành glucose, một phần được sử dụng ngay để cung cấp năng lượng, phần còn lại sẽ chuyển thành mỡ. Gan là nơi lưu trữ mỡ dư thừa này, dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) và làm tăng men gan.
Thịt đỏ: Thực phẩm này thường chứa nhiều chất béo bão hòa. Hàm lượng loại chất béo bão hòa trong các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt heo lần lượt là 38%, 40%, 45%. Chất béo bão hòa là nguyên nhân gây tích tụ mỡ quá mức tại gan. Tình trạng gan nhiễm mỡ có thể không gây tổn thương gan trực tiếp, nhưng đôi khi lượng chất béo dư thừa sẽ kích thích phản ứng viêm gan, từ đó làm tăng men gan. Người bệnh men gan cao chỉ nên ăn thịt đỏ 2-3 lần mỗi tuần và mỗi lần không nên ăn quá 85 g.
Thức ăn tái, sống, kém an toàn: Người men gan cao kiêng ăn thịt sống, thịt tái, trứng lòng đào như sushi, sashimi, hàu sống, phở tái, gỏi tôm sống sốt Thái... Bởi thịt sống là vật trung gian lây truyền các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng máu, làm tăng men gan như khuẩn toxoplasma, e.coli, listeria, salmonella và vibrio vulnificus. Ví dụ, vi khuẩn toxoplasma, e.coli, listeria, salmonella thường có nhiều trong thịt gia súc, gia cầm sống. Khuẩn vibrio vulnificus phổ biến trong các loài thủy hải sản có vỏ như hàu, nghêu, sò, ốc, hến.
Thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp: Người mắc bệnh gan nên tránh thức ăn nhanh và đồ ăn đóng hộp vì chúng chứa nhiều chất béo bão hòa (cholesterol, trans fat, mỡ động vật), muối, đường, chất bảo quản, phẩm màu và chất điều vị. Chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ phát triển bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD), từ đó làm tăng men gan. Muối gây tích tụ natri ở gan, làm mất cân bằng nước nội môi, tăng áp lực nội bào và làm giảm khả năng đào thải độc tố ở gan.
Phẩm màu, chất bảo quản và chất điều vị cũng khiến gan phải hoạt động liên tục để hấp thụ, chuyển hóa và đào thải, từ đó làm gia tăng gánh nặng lên gan, khiến men gan tăng cao hơn.
Bác sĩ Tùng cho biết thêm người men gan cao nên đi khám và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tự chọn mua thực phẩm tươi sống và nấu ăn tại nhà để chủ động điều chỉnh lượng gia vị, cắt giảm các chất gây hại cho gan...
Dinh dưỡng an toàn và một số tinh chất thảo dược như s.marianum và wasabia thiên nhiên có thể hỗ trợ kiểm soát tế bào kupffer trong gan, cải thiện chức năng gan, tăng khả năng giải độc và hỗ trợ tiêu hóa, lợi mật.
Hiệp Huỳnh