Bác sĩ ở một bệnh viện nghi ngờ Thắng mắc bệnh hô hấp, chụp CT phát hiện u trung thất kích thước 10x8,5 cm, sinh thiết ghi nhận u tế bào mầm trung thất ác tính (ung thư). U xâm lấn, chèn ép các cơ quan lân cận, dính chắc tĩnh mạch chủ trên, tĩnh mạch thân tay đầu phải, tĩnh mạch vô danh. Thắng được hóa trị ba đợt, không phẫu thuật.
Tháng 7/2024, Thắng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám. Ngày 13/8, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, cho biết khối u của bệnh nhân sau hóa trị khoảng 9x8 cm chứng tỏ đáp ứng kém với điều trị. Người bệnh cần được phẫu thuật để xử lý toàn bộ khối u hoặc cắt bỏ phần lớn tổn thương.
Ca phẫu thuật tiềm ẩn nhiều rủi ro do mạng nhện tĩnh mạch chằng chịt bao quanh u. ThS.BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, đánh giá nếu bóc tách không khéo, nguy cơ làm rách tĩnh mạch rất cao. Ngược lại nếu thao tác xa các tĩnh mạch thì không thể gỡ u. Ê kíp chuẩn bị các ống ghép tĩnh mạch nhân tạo. Trường hợp không thể bảo tồn hệ tĩnh mạch bị tổn thương, bác sĩ sẽ cắt bỏ, thay bằng các ống ghép.
Trong hai giờ, bác sĩ rạch đường trước ngực, cưa dọc toàn bộ xương ức, cẩn thận tách u khỏi các tĩnh mạch dính chặt mà không gây tổn thương. Toàn bộ khối u được lấy ra trọn vẹn. Mạng lưới tĩnh mạch được bảo tồn, ê kíp không cần dùng tới ống ghép nhân tạo. Thắng hết tức ngực, hồi phục sau một ngày mổ, tiếp tục được hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư sót lại, giảm nguy cơ tái phát.
U tế bào mầm được tạo thành từ tế bào có nguồn gốc từ phôi thai, có thể lành tính hoặc ác tính. Chúng di chuyển đến buồng trứng, tinh hoàn, ngực, não, bụng, trung thất, lưng dưới, xương cụt... của phôi, phân chia bất thường và trở thành khối u.
U tế bào mầm thường xuất hiện ở người 11-30 tuổi, rất ít gặp ở trẻ em. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên khi tiền sử gia đình có khối u tế bào mầm hoặc tinh hoàn ẩn, tinh hoàn lạc chỗ, hội chứng Turner, hội chứng Klinefelter.
Phương pháp điều trị chính là phẫu thuật, có thể kết hợp hóa trị, xạ trị sau mổ. Tỷ lệ chữa khỏi bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, loại, vị trí và kích thước của khối u, mức độ ung thư di căn.
U tế bào mầm thường ít biểu hiện triệu chứng rõ ràng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Bác sĩ Dũng khuyến cáo người có dấu hiệu nghi ngờ như đau vùng chậu, đau bụng, bụng to, chảy máu âm đạo bất thường, đau hoặc nặng vùng bìu, đau bẹn, đau lưng, táo bón... nên đi khám sớm.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |