Con người bắt đầu ngáp từ khi còn trong bào thai. Khi chào đời, mỗi người có xu hướng ngáp khoảng 25 lần mỗi ngày và tần suất giảm theo độ tuổi. Nhiều người thường ngáp lúc mệt mỏi và thức dậy sau một đêm ngủ. Dưới đây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.
Hô hấp
Ngáp là một dạng phản xạ bao gồm hít hơi sâu, há rộng hàm và thở ra nhanh. Hành động này làm tăng dung tích phổi và cải thiện lưu lượng máu đến tim, có lợi cho hô hấp. Các nhà nghiên cứu cho rằng ngáp có thể định vị lại các cơ để mở rộng đường thở, tăng lượng oxy trong các cơ quan và mô.
Giảm áp suất trong tai
Khi ngáp, chúng ta hít lượng lớn không khí vào phổi, khiến ống eustachian trong tai mở ra. Những ống này có nhiệm vụ cân bằng áp suất giữa tai giữa và môi trường bên ngoài. Ống tai eustachian mở khi ngáp có thể bớt áp lực tích tụ trong tai giữa, từ đó cải thiện thính giác. Hành động này cũng có thể loại bỏ ráy tai hoặc mảnh vụn thừa, ngăn tắc nghẽn ống tai.
Thư giãn não
Hành động ngáp buộc các cơ ở mặt và cổ phải di chuyển. Chuyển động này có thể kích thích động mạch cảnh, dẫn đến tăng nhịp tim và giải phóng các hormone thúc đẩy tỉnh táo. Do đó, ngáp được kích hoạt để hỗ trợ duy trì trạng thái tỉnh táo.
Hạ nhiệt độ
Khi ngáp, các cơ mặt di chuyển và co lại, tăng lưu lượng máu đến mặt, nơi nhiệt có thể tản đi dễ dàng hơn. Ngáp gây chảy nước mắt cũng có thể giải phóng nhiệt. Các nhà khoa học tại Trường Đại học Vienna (Áo) phát hiện ngáp thường xảy ra ở nhiệt độ khoảng 20 độ C, mức lý tưởng để làm mát máu và não.
Ngáp thường vô hại nhưng quá nhiều có thể là dấu hiệu của căng thẳng, mất ngủ, ngưng thở khi ngủ, chứng ngủ rũ hoặc các bệnh lý như đau tim, u não, bệnh đa xơ cứng, động kinh... Theo Cleveland Clinic, người ngáp kèm tê yếu đột ngột ở mặt, cánh tay hoặc chân cần đến bệnh viện sớm vì có thể là dấu hiệu đột quỵ.
Huyền My (Theo Medical News Today, Verywell Health)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |