Trả lời:
Phẫu thuật cắt phổi hoặc cắt một phần phổi là kỹ thuật chẩn đoán và điều trị các bệnh ở phổi. Có ba phương pháp gồm phẫu thuật mở kinh điển, phẫu thuật nội soi lồng ngực ít xâm lấn có video hỗ trợ và phẫu thuật có robot hỗ trợ.
Phẫu thuật nội soi (ít xâm lấn) là xu hướng chung vì có nhiều lợi ích như thời gian hồi phục nhanh, người bệnh có thể trở lại hoạt động thường ngày với phần phổi còn lại.
Một số bệnh cần phẫu thuật cắt thùy phổi như ung thư phổi, khối u ác tính di căn từ cơ quan khác đến phổi, u phổi lành tính, mô phổi tổn thương (giãn phế quản, khí phế thũng, áp xe phổi, chấn thương phổi)...
Ngoài ra, người bệnh có thể cần phẫu thuật để sinh thiết phổi, màng phổi giúp chẩn đoán một số bệnh như tràn dịch màng phổi tái phát, các nốt phổi, nhiễm trùng phổi, viêm xẹp xơ phổi...
Bạn sắp phẫu thuật cắt thùy phổi bằng phương pháp ít xâm lấn, quá trình hồi phục khoảng 2-4 tuần, nhanh hơn so với mổ mở (6-8 tuần). Sau phẫu thuật, bạn cần lưu ý chế độ ăn đủ dinh dưỡng. Thực phẩm tiêu thụ trong khoảng thời gian này ảnh hưởng lớn đến quá trình lành vết thương.
Người bệnh nên tăng cường thực phẩm nguyên chất thay vì chế biến sẵn. Thực phẩm chế biến sẵn như thịt đỏ, thịt xông khói, xúc xích, thức ăn chiên rán, đồ ngọt, bánh mì trắng thường chứa nhiều đường, muối, chất béo dễ gây viêm, làm chậm quá trình lành vết mổ, táo bón.
Nên ưu tiên rau củ quả tươi, thực phẩm chứa nhiều calo, protein, ngũ cốc nguyên hạt, sữa và chế phẩm từ sữa ít béo, thịt gia cầm bỏ da, thịt nạc, cá, các loại đậu, các loại hạt... Bạn nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ thay vì ba bữa chính để giảm cảm giác chán ăn.
Người bệnh thường khó thở sau phẫu thuật cắt phổi, kèm triệu chứng đau nhức kể cả khi nằm nghỉ. Bác sĩ sử dụng các loại thuốc giảm đau kết hợp các bài tập thở để người bệnh dễ dàng ho khạc đờm. Tập thở sâu thúc đẩy thải dịch và khí ứ đọng trong phổi, tránh nguy cơ xẹp phổi, nhiễm trùng hoặc tràn dịch màng phổi sau mổ. Các bài tập này cũng góp phần bổ sung oxy để hỗ trợ hồi phục cho phổi.
Trong thời gian này, bạn nên hạn chế các hoạt động gắng sức như leo cầu thang, mang vác đồ vật nặng. Nghỉ ngơi, tăng cường tập luyện các bài tập thở với dụng cụ để cơ thể sớm thích nghi với hiện trạng mới của lá phổi.
Các bài tập vật lý trị liệu hô hấp và toàn thân là một phần không thể thiếu đối với bệnh nhân sau phẫu thuật cắt phổi nhằm bù đắp cho phần mô phổi đã mất, cải thiện tuần hoàn, sức bền, lực thở và dung tích phổi.
Tập thể dục đúng cách cũng hỗ trợ bạn nhanh hồi phục, tăng cường sức khỏe tổng thể và tinh thần. Tùy thể trạng sau mổ, tuổi tác, bác sĩ tư vấn cho người bệnh khi nào nên tập thể dục. Trung bình sau 4 tuần, người bệnh có thể tập yoga, thiền, đi bộ chậm... Bạn nên bắt đầu với bài tập cường độ nhẹ (không gắng sức), sau đó tăng dần cường độ và thời gian.
Người bệnh cần bảo vệ vết mổ bằng gạc vô trùng để vết mổ không nhiễm bẩn, chà xát, tổn thương. Giữ băng vết mổ luôn khô ráo, nếu ướt cần phải thay lại băng vô trùng, không tự ý đắp hay bôi thuốc lên vết thương hở.
Sau mổ, bạn nên tái khám theo lịch hẹn để đánh giá quá trình hồi phục, lành vết thương, diễn tiến bệnh, khả năng tái phát nếu có. Nếu xuất hiện triệu chứng khó thở không giảm, tri giác lơ mơ, đau ngực, chảy mủ hoặc sưng xung quanh vết mổ, sốt cao không hạ, tiêu tiểu không tự chủ, đau chân... người bệnh nên đến viện ngay.
BS.CKI Trần Quốc Hoài
Khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực
Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh ung thư tại đây để bác sĩ giải đáp |