Trẻ nhỏ có nhu cầu năng lượng lên đến 2/3 nhu cầu của một người trưởng thành. Tuy nhiên, bao tử của trẻ nhỏ, để nạp đủ số lượng thức ăn mà cơ thể cần chỉ qua 3 bữa chính (như người lớn) thì hệ tiêu hóa của bé dễ bị quá tải. Trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, khó tiêu, rối loạn hấp thu dưỡng chất.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết phụ huynh nên chia nhỏ 3 bữa lớn thành nhiều bữa nhỏ hơn để giảm tải cho hệ tiêu hóa của bé, giúp cơ thể hấp thu dinh dưỡng tốt.
Bữa phụ giúp đảm bảo nguồn dinh dưỡng cần thiết, tạo ra sự khác biệt về khẩu vị, đa dạng hóa khẩu phần ăn khiến bé ăn ngon miệng hơn. Dưới đây là những lưu ý chung trong chuẩn bị bữa phụ cho trẻ theo từng nhóm tuổi.
Trẻ mới biết đi (1-3 tuổi): Trong giai đoạn trẻ tập đi 1-3 tuổi, thể chất có sự phát triển vượt trội. Chiều cao của trẻ có thể tăng 8-10 cm mỗi năm, cân nặng có thể tăng khoảng 2 kg mỗi năm nên hệ cơ xương khớp của trẻ cần nhiều chất dinh dưỡng để phát triển.
Nhóm chất dinh dưỡng không thể thiếu cho trẻ mới biết đi bao gồm đạm (protein), canxi, vitamin D3, sắt và kẽm. Mẹ có thể giúp bé bổ sung tất cả những chất trên bằng cách thiết kế bữa phụ cho bé cùng với sữa và các chế phẩm từ sữa.
Trong giai đoạn từ 1-3 tuổi, răng bé vẫn chưa phát triển cứng cáp và đầy đủ nên các loại hải sản, đậu và ngũ cốc mẹ có thể luộc rồi nghiền (giã nhỏ) cho bé ăn. Mẹ nên xay các loại hạt và đậu chung với nước để làm sữa đậu, sữa ngũ cốc.
Trẻ mẫu giáo (3-5 tuổi): Trẻ em trong giai đoạn mẫu giáo cần ưu tiên nạp đủ chất bột đường có trong cơm, bánh mì, cháo, phở,... bởi bé hoạt động nhiều hơn như chạy nhảy, hát múa. Việc ăn đủ tinh bột giúp bé đủ năng lượng, tỉnh táo để hoạt động cả ngày dài. Ưu tiên thứ hai là nên cho trẻ ăn nhiều rau củ quả để có đủ chất xơ phòng táo bón, vitamin và khoáng chất giúp tăng đề kháng, phát triển nhanh.
Trẻ ăn đủ lượng đạm đến từ thịt, cá, trứng, sữa. Cuối cùng mẹ cần cho trẻ hạn chế chất béo, dầu mỡ có hại. Bé không nên ăn quá nhiều đường (như ăn kẹo dẻo, quà bánh, uống nước ngọt); không nên ăn mặn (các món mắm dành cho người lớn, các món ram mặn, xào mặn,...).
Độ tuổi này bé đã ăn cơm nhưng mẹ vẫn cần đảm bảo con uống đủ 400ml sữa hoặc 400g các chế phẩm từ sữa mỗi ngày. Mẹ có thể làm thêm bánh flan ít ngọt, sữa chua, như là một bữa phụ cho bé ăn vào giờ ra chơi tại trường. Nếu bé ngán sữa chua, có thể thay thế bằng trái cây tươi đơn giản như chuối, nho, táo cắt lát.
Độ tuổi đi học (6-11 tuổi): Từ 6 tuổi trở đi là giai đoạn bé cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất nhất để phát triển vào giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì. Các nhu cầu về năng lượng, canxi, protein, sắt, vitamin và khoáng chất khác đều tăng gần như gấp đôi so với nhu cầu dinh dưỡng ở tuổi từ 3-5 tuổi.
Ỏ độ tuổi này, để phát triển toàn diện, trẻ cũng cần vận động 30-60 phút mỗi ngày bên cạnh một chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất. Ngoài bữa sáng và tối (ăn tại nhà) cùng bữa trưa (ăn tại trường), mẹ cần xây dựng thêm bữa phụ để trẻ có đủ năng lượng cho cả ngày.
Giai đoạn này răng bé phát triển tương đối đầy đủ, cứng cáp, mẹ có thể cho bé ăn bữa phụ gồm thịt, cá, hải sản tùy ý (chẳng hạn như sushi cuộn, kimbap cuộn thịt, cá,...) hoặc các món salad trộn, trứng luộc, rau luộc, khoai luộc, trái cây tươi, sinh tố ít ngọt, chè các loại đậu (ít ngọt)... Mẹ cần lưu ý khi bữa phụ là món ngọt, cần hạn chế dùng đường cát trắng quá nhiều mà nên tận dụng vị ngọt tự nhiên của thực phẩm.
Thanh thiếu niên (12-16 tuổi): Đây là giai đoạn trẻ ở đỉnh tuổi dậy thì cộng thêm áp lực bài vở nên mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để giúp con phát triển thể chất, trí óc hiệu quả. Dậy thì là "giai đoạn vàng" cuối cùng trong đời để bé có thể tối ưu việc phát triển chiều cao bằng dinh dưỡng. Vì thế, mẹ cần bổ sung đủ bộ ba "Canxi - vitamin D3 - vitamin K2" vào bữa phụ để bé phát triển tối ưu.
Canxi có nhiều trong sữa, phô mai, sữa chua, các loại hạt, đậu, ngũ cốc... Vitamin D3 có nhiều trong cá hồi, cá trích, cá mòi, thịt heo, sữa ít béo... Rau cải có màu xanh đậm, lòng đỏ trứng, cá hồi, cá ngừ, cá thu... giàu vitamin K. Giai đoạn này, mẹ có thể hỏi ý kiến con về bữa phụ. Bữa phụ sáng bé có thể ăn trái cây hoặc yến mạch ngâm sữa tươi hay sữa chua. Bữa phụ xế chiều bé có thể ăn salad trộn dầu giấm với vài lát cá hồi hay rau luộc cùng các loại sốt mè, sốt kem ít béo để kích thích vị giác. Một cốc sữa trước khi đi ngủ là gợi ý cho bữa phụ tối.
Kim Thư