Lầu Năm Góc đang đánh giá lại cách bố trí lực lượng quân sự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh cường quốc với Trung Quốc. Lục quân Mỹ sẽ giữ vai trò quan trọng trong chiến lược này, thông qua việc xây dựng và củng cố quan hệ đối tác cùng một số quốc gia then chốt ở Đông Nam Á.
Mục tiêu của Mỹ là sở hữu lực lượng viễn chinh liên quân linh hoạt rải khắp khu vực, khiến đối phương khó tấn công bằng một đòn chí tử, nhưng vẫn bố trí đủ gần những khu vực trọng yếu như eo biển Đài Loan.
Tuy nhiên, việc xây thêm căn cứ quân sự mới, hay đảm bảo quyền tiếp cận những sân bay, cảng biển mà lực lượng Mỹ có thể được triển khai luân phiên, luôn là công việc "nói dễ hơn làm".
Minh chứng là việc tái bố trí căn cứ Futenma của Mỹ trên đảo Okinawa, Nhật Bản. Mỹ đã nhất trí di dời căn cứ này khỏi khu đông dân cư cách đây 25 năm, nhưng tới nay công việc vốn chỉ mang tính hậu cần này vẫn còn dang dở.
Tuy vậy, Mỹ vẫn đang thiết lập nền tảng để bố trí các căn cứ mới tại châu Á, trong đó lục quân Mỹ giữ vai trò sứ giả mở ra những cơ hội chiến lược để tìm chỗ đặt chân tại các khu vực trọng yếu thông qua đối ngoại quốc phòng.
Quyền Bộ trưởng Lục quân John Whitley ngày 10/5 tuyên bố lực lượng sẽ phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Mỹ, để trở thành chìa khóa mở ra cánh cửa hợp tác với một số quốc gia trong khu vực. Theo Whitley, niềm tin được xây dựng giữa lục quân Mỹ và các nước châu Á sẽ kéo theo cơ hội tiếp cận cơ sở hạ tầng quân sự, thiết lập căn cứ và quyền sử dụng vùng trời cho các lực lượng quân sự Mỹ.
"Chúng tôi đang thảo luận với Indonesia. Họ muốn xây một trung tâm huấn luyện tác chiến. Chúng tôi cũng tiếp cận Thái Lan về thỏa thuận cung cấp xe thiết giáp Stryker. Những trao đổi giữa chúng tôi và Ấn Độ về thiết bị chống lạnh, pháo binh và các hình thức hỗ trợ khác đã diễn ra tích cực trong năm qua", Whitley nói.
Hồi tháng 3, Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trình lên Hạ viện Mỹ báo cáo "Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương" (PDI). Đội ngũ nghiên cứu đề xuất tái cấu trúc lực lượng trong khu vực để vừa đảm bảo quy mô, vừa giảm rủi ro từ việc bố trí binh lực tập trung.
Báo cáo gợi ý xây dựng một lực lượng liên binh chủng với mạng lưới vũ khí chính xác cao tại Tây Thái Bình Dương, dọc theo chuỗi đảo thứ nhất. Lưới hỏa lực tầm xa nhằm khắc chế chiến lược "chống tiếp cận, xâm nhập khu vực" (A2/AD) của Trung Quốc. Kế hoạch sẽ đòi hỏi quân đội Mỹ tìm thêm địa điểm triển khai lực lượng cho tương lai.
Whitley lưu ý nhiều nước đối tác tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có lãnh đạo quốc phòng đi lên từ lục quân. Ông cho rằng những đầu tư của Mỹ theo thời gian sẽ tạo thêm lựa chọn hợp tác tại khu vực và Lầu Năm Góc cần hành động nhanh chóng.
Quyền bộ trưởng Lục quân Mỹ lưu ý các đối tác ở Thái Bình Dương không muốn rơi vào tình cảnh phải "chọn phe" giữa Mỹ với Trung Quốc. Ông nhấn mạnh các nước trong khu vực mong muốn mối quan hệ đối tác "linh động về quy mô, tịnh tiến và giúp củng cố năng lực".
Mỹ đang bố trí lực lượng tiền tiêu tập trung ở một vài nước đồng minh then chốt tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhật Bản có khoảng 55.000 lính Mỹ đồn trú, chủ yếu gồm hải quân và thủy quân lục chiến. Hàn Quốc là nơi đóng quân của 26.400 lính Mỹ, với bộ binh chiếm chủ lực.
Ngoài ra, quân đội Mỹ còn có căn cứ tại đảo Guam và triển khai luân phiên binh sĩ đến Australia, Singapore, Philippines. Cách bố trí binh lực này được cho là không còn phù hợp trước sức mạnh tên lửa Trung Quốc, khi chỉ cần một đòn tập kích tên lửa là đủ gây thiệt hại đáng kể cho các căn cứ lớn của quân đội Mỹ.
Okinawa, nơi tập trung đến 70% căn cứ trên bộ của Mỹ tại Nhật Bản, đang cảm nhận ngày một rõ những thay đổi trong tư duy chiến lược mới của Lầu Năm Góc. Theo hội đồng cố vấn quan hệ Mỹ - Nhật cho thống đốc tỉnh, hiện diện quân sự Mỹ trên hòn đảo sẽ thay đổi rất lớn.
"Trung Quốc cải thiện năng lực quân sự, khiến lực lượng Mỹ tại Nhật Bản và đảo Okinawa dễ bị tổn thương hơn. Điều đó thúc đẩy Mỹ phân tán binh lực, thay đổi cấu trúc nhiều căn cứ với mức tập trung lực lượng cao và dàn trải tại nhiều địa điểm ở Nhật Bản và khắp khu vực", nhà khoa học chính trị Mỹ - Nhật Mike Mochizuki cho biết.
Một trong những phương án phân tán lực lượng trên Thái Bình Dương là thành lập các đơn vị tác chiến đặc biệt đa năng (MDTF), có khả năng tấn công những mục tiêu sâu trong lưới phòng thủ của đối phương.
Mỗi đơn vị MDTF dự kiến được biên chế khoảng 500 binh sĩ thuộc nhiều quân chủng khác nhau. Đơn vị đầu tiên đã được ra mắt vào tháng 2 tại căn cứ Lewis-McChord, bang Washington.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo lục quân Mỹ thừa nhận việc thuyết phục đồng minh và đối tác tiếp nhận thêm lực lượng cùng vũ khí sẽ gặp nhiều khó khăn về chính trị. Tham mưu trưởng lục quân James McConville từng nhận định những "quyết định chính trị" như vậy sẽ cần được định hình thông qua ngoại giao, dựa trên lợi ích quốc gia của các nước đối tác và đồng minh với Mỹ.
Trung Nhân (Theo Nikkei Asia)