"Trung Quốc đại lục có thể sở hữu lượng lớn vận tải cơ hạng nặng Y-20 trước năm 2026. Điều này sẽ giúp không quân Trung Quốc sở hữu năng lực triển khai lực lượng chiến lược đường không, vốn cần cho những chiến dịch hiệp đồng quy mô lớn", Yết Trọng, nhà phân tích quân sự thuộc Quỹ Chính sách Đài Loan, nói trong một cuộc tọa đàm hôm 9/5.
Chung cho biết vận tải cơ hạng trung và hạng nặng chỉ chiếm 24,7% lực lượng vận tải của không quân Trung Quốc hồi cuối năm 2017. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong những năm tới với sự xuất hiện của những chiếc Y-20.
Vận tải cơ Y-20 do tập đoàn Tây An hợp tác với hãng Antonov của Ukraine phát triển, là mẫu máy bay vận tải quân sự lớn nhất của Trung Quốc, có thể chở 55 tấn hàng, đạt tốc độ hơn 900 km/h với trần bay 13.000 m. Quân đội Trung Quốc biên chế Y-20 vào tháng 7/2016 và đang sở hữu hơn 20 vận tải cơ này.
Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc cũng liên tục cải thiện năng lực vận tải trực thăng và đổ bộ đường không. Biên chế tàu đổ bộ tấn công Type-075 là một phần trong chiến lược này, cho phép Bắc Kinh tiến hành những chiến dịch đổ bộ xa bờ và qua eo biển Đài Loan, ông Yết nói thêm.
Type-075 là lớp tàu đổ bộ tấn công lớn thứ ba thế giới, sau lớp Wasp và America của hải quân Mỹ, có khả năng cải hoán thành tàu sân bay hạng nhẹ. Nó có lượng giãn nước đầy tải tới 40.000 tấn, lớn hơn nhiều tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công của các cường quốc trong khu vực.
Giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng Type-075 được thiết kế nhằm phục vụ chiến dịch tấn công đảo Đài Loan, cũng như thực hiện nhiệm vụ "răn đe ngoài khơi" ở các khu vực như biển Hoa Đông và Biển Đông.
Dù vậy, khả năng tác chiến của nó có thể bị giới hạn đáng kể do Trung Quốc không có máy bay cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như F-35B và MV-22 Osprey Mỹ, trong khi nước này chưa xây dựng được phương án tác chiến hiệu quả vì chưa từng sở hữu tàu đổ bộ tấn công.
Nhà phân tích Tô Tử Vân thuộc Viện Nghiên cứu An ninh và Phòng thủ Đài Loan, thì cho rằng Trung Quốc dù thay đổi chiến thuật cũng khó có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột quân sự ở hai bờ eo biển Đài Loan do nhiều hạn chế về năng lực quân sự.
"Chưa có gì chắc chắn về những khí tài được Bắc Kinh quảng bá gần đây. Chúng còn nhiều nhược điểm về chất lượng và tính năng, bao gồm khả năng phòng vệ của xe thiết giáp và tuổi thọ động cơ tiêm kích. Đó chỉ là một vài điểm cốt yếu cản trở khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc", ông nói.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sử dụng vũ lực nếu cần. Quân đội Trung Quốc gần đây thường tổ chức diễn tập quanh đảo Đài Loan với nhiều khí tài tối tân, động thái được đánh giá là nhằm gây áp lực lên hòn đảo.
Vũ Anh (Theo Taiwan News)