Truyền thông Đài Loan đưa tin 4 tiêm kích F-16V hai chỗ ngồi ngày 10/5 xuất phát từ căn cứ Gia Nghĩa tham gia cuộc diễn tập bắn đạn thật. Mỗi chiếc F-16V mang theo hai tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) hay AIM-120 cùng hai tên lửa tầm ngắn AIM-9 Sidewinder.
"Tiêm kích số 1 và số ba phóng một tên lửa AIM-120 treo ở cánh phải. Tất cả tên lửa đều bắn trúng mục tiêu một cách chính xác", tờ Liberty Times đưa tin.
Mỹ trước đây ngăn Đài Loan tiến hành các cuộc diễn tập phóng tên lửa AMRAAM do lo ngại Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh. Tuy nhiên, truyền thông Đài Loan cho hay Washington lần này đã "bật đèn xanh" cho cuộc phóng thử, sau khi máy bay quân sự Trung Quốc liên tục áp sát đảo Đài Loan và tình hình căng thẳng gần đây ở Biển Đông.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan và giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin này.
Đợt phóng thử tên lửa AIM-120 của phòng vệ Đài Loan diễn ra trong bối cảnh hòn đảo nâng cấp các tiêm kích F-16 biến thể cũ lên chuẩn F-16V. Đây là loại tiêm kích duy nhất phòng vệ Đài Loan sở hữu có thể mang tên lửa AIM-120, vũ khí được đánh giá mang tính quan trọng trong nỗ lực bắt kịp lực lượng không quân Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ tháng 9/2000 đồng ý bán cho đảo Đài Loan 200 tên lửa AIM-120C để trang bị cho tiêm kích F-16A/B, hòn đảo sau đó đặt hàng 120 tên lửa. Số tên lửa này được bảo quản tại căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam của Mỹ cho tới khi phòng vệ Đài Loan yêu cầu sử dụng trong chiến đấu.
Lập trường của Mỹ thay đổi vào tháng 6/2002, sau khi Trung Quốc thử nghiệm tên lửa không đối không tầm trung R-77 nhận từ Nga. Lô tên lửa AIM-120C-5 đầu tiên được chuyển tới đảo Đài Loan vào tháng 11/2003. Tới năm 2007, Mỹ duyệt bán 218 tên lửa AIM-120C-7 khác cho hòn đảo.
Số tên lửa AIM-120 mà phòng vệ Đài Loan sở hữu chỉ đủ trang bị cho mỗi tiêm kích F-16 hai quả, được đánh giá không đủ để dùng trong xung đột toàn diện với không quân Trung Quốc.
Phòng vệ Đài Loan từng diễn tập phóng tên lửa AIM-120 trên tiêm kích F-16, song hoạt động này diễn ra trên lãnh thổ Mỹ vào năm 2000-2001.
Đài Loan phát triển một số mẫu tên lửa không đối không tầm trung như Thiên Kiếm II, được trang bị cho mẫu máy bay IDF do hòn đảo chế tạo. Các tiêm kích Mirage 2000-5 của phòng vệ Đài Loan sử dụng tên lửa tầm trung MICA.
Căng thẳng xung quanh eo biển Đài Loan gần đây leo thang. Hồi giữa tháng 4, Trung Quốc cho nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh ra diễn tập gần khu vực phía đông đảo Đài Loan, đồng thời tổ chức nhiều cuộc diễn tập khác gần hòn đảo.
Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực nếu cần. Quân đội Trung Quốc gần đây thường xuyên điều máy bay quân sự áp sát đảo Đài Loan, khiến lực lượng phòng vệ của hòn đảo phải điều tiêm kích ứng phó và đặt hệ thống phòng không vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Nguyễn Tiến (Theo Drive)