Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 9/5 đưa tin đơn vị được biên chế các tổ hợp pháo phản lực tầm xa PHL-03 mới là một tiểu đoàn pháo binh của Bộ tư lệnh Tân Cương, đóng quân trên khu vực cao nguyên 5.200 m, gần khu vực xảy ra vụ đụng độ chết người giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ hồi tháng 6/2020.
"Hệ thống pháo phản lực này là khí tài tiến công chính của binh chủng pháo binh, có thể triển khai nhanh chóng nhằm chiếm giữ và kiểm soát các khu vực trọng yếu. Với sự yểm trợ của chúng, binh sĩ Trung Quốc có thể chiến đấu ở những địa hình khó khăn như cao nguyên, sa mạc và những nơi khác trong mọi điều kiện thời tiết", CCTV đưa tin.
Video cho thấy 10 tổ hợp pháo phản lực PHL-03 cùng xe cẩu nạp đạn và xe hỗ trợ xuất hiện trong lễ biên chế. Các phương tiện này được sơn màu ngụy trang kỹ thuật số dành cho môi trường sa mạc và cao nguyên của quân đội Trung Quốc, thay vì màu xanh như bình thường.
Tổ hợp pháo phản lực PHL-03 được trang bị 12 ống phóng rocket 300 mm, nặng 800 kg với tầm bắn lên tới 130 km, đủ khả năng bắn áp chế tập trung diện rộng. Xe tải 8 bánh của tổ hợp PHL-03 có thể đạt tốc độ tối đa 60 km/h.
PHL-03 có thể chuyển có thể chuyển từ chế độ di chuyển sang sẵn sàng chiến đấu trong ba phút và từ chế độ chờ sang khẩn cấp trong một phút. Phiên bản cải tiến được triển khai ở Tân Cương được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực điện tử và sử dụng hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc, giúp chúng có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc.
"Chuyển từ pháo kéo sang pháo tự hành và từ vận hành hoàn toàn thủ công sang kỹ thuật số là thách thức lớn, song cũng là bước tiến đáng kể", đại úy You Zichen, một đại đội trưởng của tiểu đoàn pháo binh, cho biết.
Truyền thông Trung Quốc hồi tháng 10/2020 đưa tin nước này đã triển khai và bắn thử PHL-03 tại cao nguyên Tây Tạng. Quân đội Trung Quốc biên chế pháo phản lực mới cho các đơn vị gần biên giới với Ấn Độ trong bối cảnh thời tiết trong khu vực bớt khắc nghiệt, cho phép triển khai các hoạt động quân sự.
Đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới nổ ra hồi đầu tháng 5/2020, lên tới đỉnh điểm vào giữa tháng 6/2020 với vụ ẩu đả khiến 20 lính Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng. Hai nước điều lực lượng tăng viện lên khu vực biên giới và tiếp tục đối đầu lẫn nhau suốt mùa đông.
Để tạo lợi thế cho binh sĩ tiền tuyến trên dãy Himalaya, Trung Quốc biên chế hàng loạt khí tài hiện đại gồm tăng hạng nhẹ Type 15, lựu pháo tự hành PCL-181 cùng máy bay không người lái (UAV) chuyên hoạt động ở độ cao lớn.
Ngoài ra, Trung Quốc trang bị cho các binh sĩ khung xương trợ lực, máy tạo oxy, nhà sử dụng năng lượng mặt trời, đào giếng nước và thậm chí chuyển lẩu ăn liền bằng UAV cho họ.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)