Thông tin về những điểm mới của dự thảo Luật chiều 16/3, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho biết cơ quan soạn thảo không hạn chế rút BHXH một lần mà khuyến khích lao động bảo lưu thời gian đóng để quay lại lưới an sinh.
Vì vậy, hai phương án được đưa ra trong dự thảo. Một là giữ nguyên quy định hiện hành, cho rút BHXH một lần sau một năm không tham gia. Hai là chỉ giải quyết 50% tổng thời gian đóng và bảo lưu 50% số năm còn lại để hưởng chế độ. Điều kiện hưởng lương hưu với người từng rút một lần là đóng đủ 20 năm BHXH chứ không phải 15 năm như đề xuất.
Có bốn lựa chọn cho lao động bảo lưu 50% thời gian đóng. Nếu người đó tiếp tục đi làm và tham gia BHXH sẽ được cộng dồn đến khi đủ 20 năm đóng để hưởng lương hưu. Ba lựa chọn còn lại là lao động đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH có thể chọn đóng một lần cho thời gian thiếu để nhận lương hưu; chọn nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng hoặc tiếp tục rút BHXH một lần.
Theo ông Lê Hùng Sơn, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc thiết kế nhiều lựa chọn nhằm giúp người lao động cân nhắc kỹ và không phải tiếc nuối như nhiều người từng chọn về một cục theo Chế độ 176 năm 1990. "Cơ quan quản lý hệ thống an sinh luôn sẵn sàng chờ lao động quay lại, đóng tiếp cho số năm còn thiếu để đủ thời gian hưởng lương hưu", ông Sơn nói.
Giai đoạn 2016-2021 có khoảng 4,06 triệu người rút BHXH một lần thì hơn 1,2 triệu người quay lại hệ thống khi tiếp tục đi làm và đóng BHXH (chiếm 33,8%); 20.000 người đủ tuổi hưu chưa đủ năm đã tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu và 30.000 người đủ tuổi hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH được rút một lần.
Để hạn chế rút BHXH một lần, nhiều giải pháp đồng bộ đã được tính đến như hỗ trợ lao động mất việc sớm quay lại thị trường, đề xuất bổ sung một tầng trợ cấp hưu trí. Chính sách cho vay tín dụng không nằm trong hệ thống Luật Bảo hiểm xã hội, song cơ quan soạn thảo cho biết sẽ nghiên cứu để đề xuất cấp có thẩm quyền.
Theo Vụ phó Bảo hiểm xã hội Nguyễn Duy Cường, bình quân mỗi năm có 700.000 người rời hệ thống an sinh nhưng việc này chỉ thiệt thòi cho người lao động chứ không làm mất cân bằng Quỹ hưu trí. Nguyên nhân là số tiền về một cục thấp hơn nhiều so với tiền chi trả cho lương hưu.
Luật hiện hành quy định lao động tham gia dưới 20 năm BHXH và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần. Trong số 4,06 triệu người rút BHXH một lần giai đoạn 2016-2021 thì 98,8% ngừng đóng sau một năm; 0,79% đến tuổi về hưu nhưng chưa đủ số năm đóng.
Người rút phần lớn làm việc trong doanh nghiệp với 2,9 triệu (90,7%), tiếp đến là khu vực nhà nước 257.000 (chiếm 8%) và lao động tham gia BHXH tự nguyện 38.800 (1,2%). Lao động nam rút BHXH một lần có độ tuổi bình quân 34 với 4,5 năm đóng BHXH và nữ là 32 tuổi với trung bình 4 năm tham gia.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được lấy ý kiến nhân dân đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội góp ý tại kỳ họp tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Hồng Chiêu