Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập qua niệu đạo, sinh sôi trong bàng quang. Người bệnh thường có triệu chứng như nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu đục, đậm màu, đỏ và nặng mùi, đau vùng chậu ở nữ, đau trực tràng ở nam, tăng tần suất đi tiểu.
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng. Trường hợp nhẹ thường được bác sĩ kê đơn thuốc. Bên cạnh đó, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như chuối cũng mang đến lợi ích với hệ tiết niệu.
Cung cấp nước
Uống nhiều nước giúp loại bỏ vi khuẩn, loãng nước tiểu, giảm nồng độ chất kích thích. Chuối mềm, dễ tiêu hóa. Kết hợp chuối với trái cây nhiều nước, uống sinh tố nhằm tăng lượng chất lỏng tổng thể. Người trưởng thành nên uống từ hai lít nước trở lên mỗi ngày để đi tiểu thường xuyên hơn.
Tăng cường vitamin C
100 g chuối chứa 8,7 mg vitamin C. Chất chống oxy hóa này hạn chế sự phát triển của một số vi khuẩn, có lợi cho tình trạng viêm nhiễm. Vitamin C còn tăng cường chức năng miễn dịch, chống nhiễm trùng.
Cung cấp prebiotic tự nhiên
Chuối chứa prebiotic, một loại chất xơ, có thể lên men để lợi khuẩn trong ruột phát triển mạnh. Điều này quan trọng đối với chức năng miễn dịch tổng thể, gián tiếp tăng khả năng chống nhiễm trùng đường tiết niệu.
Làm dịu triệu chứng
Người bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu thường có cảm giác khó chịu do viêm vùng kín. Chuối có kết cấu mềm mại, kích thích nhu động ruột hoạt động thường xuyên, giảm áp lực lên dòng nước tiểu.
Ngoài chuối, còn có thực phẩm tốt như tỏi, sữa chua không đường, trái cây họ cam quýt, trái nam việt quất. Dù thực phẩm này có nhiều đặc tính chống viêm nhiễm nhưng không thể ngăn ngừa bệnh.
Để phòng tránh bệnh, mọi người nên vệ sinh vùng kín hàng ngày, lau từ trước ra sau sau khi đi vệ sinh. Cách này giúp ngăn vi khuẩn ở vùng hậu môn lây lan sang âm đạo, niệu đạo. Sau khi quan hệ tình dục, nên đi tiểu để loại bỏ vi khuẩn, phòng tránh viêm.
Huyền My (Theo Boldsky, Cleveland Clinic)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu - nam học tại đây để được bác sĩ giải đáp.