Ổn định huyết áp
Kali là khoáng chất giúp cân bằng nước và điện giải, duy trì hoạt động bình thường của hệ tim mạch, cơ bắp, tiêu hóa, tiết niệu. Kali không có tác dụng điều trị hay ngăn ngừa bệnh tim, nhưng bổ sung đủ kali có thể giúp ích cho tim theo nhiều cách.
Chế độ dinh dưỡng nhiều natri là nguyên nhân gây tăng huyết áp. Kali góp phần giảm lượng natri thông qua đường nước tiểu. Khoáng chất này còn có tác dụng làm giảm căng thẳng trong thành mạch máu, nhờ đó cân bằng huyết áp.
Nhiều loại thực phẩm quen thuộc chứa hàm lượng kali cao như cam, dưa lưới, dưa lê, dưa hấu, măng tây, rau chân vịt, bông cải xanh. Sữa tươi và sữa chua cung cấp nhiều kali. Các loại đậu như đậu nành, đậu Hà Lan, đậu thận là lựa chọn phù hợp cho người thiếu kali. Chế độ ăn nhiều trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo có tác dụng giảm huyết áp. Tuy nhiên, không nên tự bổ sung khoáng chất này khi chưa có chỉ dẫn từ bác sĩ.
Giảm cholesterol
Nhiều chế độ ăn giúp giảm cholesterol cũng có hàm lượng kali cao, chủ yếu là trái cây và rau. Mức cholesterol cao lâu ngày khiến mỡ tích tụ trong mạch máu, cản trở máu chảy qua động mạch. Lớp mỡ này có thể vỡ hoặc tạo thành cục máu đông tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Nếu giảm cholesterol xấu thì nguy cơ mắc bệnh tim giảm xuống.
Kiểm soát cholesterol bằng cách tập thể dục đều đặn, vừa sức, duy trì khoảng 30-45 phút mỗi ngày, 4-5 lần mỗi tuần. Đi bộ nhanh, bơi lội, yoga hoặc đạp xe là gợi ý. Hormone cortisol tăng khi căng thẳng làm tăng lượng đường trong máu và kích thích gan sản xuất nhiều cholesterol. Mỗi người nên điều tiết cảm xúc, thư giãn bằng những hoạt động yêu thích. Kiểm tra nồng độ cholesterol định kỳ cũng quan trọng, giúp nhận biết tình trạng sức khỏe và điều chỉnh kịp thời.
Điều hòa nhịp tim
Lượng kali trong cơ thể thấp có thể dẫn đến bất thường về nhịp tim. Khi không được can thiệp sớm và điều trị, bệnh nhân có thể gặp biến chứng như ngất, suy tim, ngừng tim đột ngột. Loạn nhịp tim ảnh hưởng đến hoạt động của phổi, não, nhiều cơ quan khác trong cơ thể, có thể dẫn đến ngừng tim đột ngột.
Nhu cầu kali cần thiết mỗi ngày ở nữ giới trưởng thành khỏe mạnh khoảng 2.600 mg, nam giới là 3.400 mg, chủ yếu đến từ thực phẩm. Cơ thể nạp quá nhiều kali cũng dễ dẫn đến tim đập không đều. Người mắc bệnh tim mạch nên theo dõi nồng độ kali trong máu, ăn uống cân bằng, đi khám định kỳ.
Lê Nguyễn (Theo WebMD)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |