Kết quả nội soi tai mũi họng tại Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7 cho thấy bà bị viêm mũi xuất tiết, trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét vùng hông lưỡi trái nhưng đáy vết loét cứng. ThS.BS.CKI Trương Tấn Phát, Trưởng Đơn vị Tai Mũi Họng, nghi ngờ không phải viêm loét thông thường, chỉ định sinh thiết, xét nghiệm mô bệnh học, kết quả xác định bà Hương bị ung thư bờ lưỡi trái dạng biểu mô vảy sừng hóa xâm nhập, giai đoạn một. Đây là loại ung thư bắt nguồn từ sự phát triển bất thường của các tế bào vảy, tức các tế bào phẳng, giống da bao phủ niêm mạc miệng, mũi, thanh quản và cổ họng.
ThS.BS.CKII Đoàn Minh Trông, khoa Ngoại Vú - Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Hương cần phẫu thuật sớm để ngăn di căn.
Bác sĩ Trông thực hiện ca phẫu thuật cho biết khối u của bà Hương chưa lan ra ngoài lưỡi, cơ hội sống sau 5 năm có thể đến 84%. Nếu trì hoãn điều trị khiến bệnh tiến triển, cần kết hợp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị để kéo dài thời gian sống. Lúc này, cơ hội sống sau 5 năm ở giai đoạn hai, ba giảm còn 70% do ung thư đã lan đến hạch và cấu trúc bạch huyết gần đó. Nếu giai đoạn 4, ung thư lan đến vùng xa hơn trên cơ thể, tỷ lệ sống là 41%.
Hậu phẫu 1-2 ngày, bà Hương được ăn bằng ống thông trực tiếp vào dạ dày. Bà nằm viện một tuần sau mổ để bác sĩ theo dõi quá trình hồi phục và hướng dẫn tập nuốt, nói sau phẫu thuật.
Theo bác sĩ Trông, ung thư lưỡi ít phổ biến, thường được chẩn đoán ở người trên 55 tuổi. Tỷ lệ mắc ung thư lưỡi ở nam cao gấp đôi so với nữ. Một số yếu tố nguy cơ gây ra loại ung thư này gồm hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu, tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư khoang miệng hoặc ung thư hầu họng. Dấu hiệu sớm của bệnh ung thư lưỡi thường khá mờ nhạt và dễ bị bỏ qua. Loét lưỡi là triệu chứng phổ biến nhưng thường bị bỏ qua do giống tổn thương nhỏ như cắn lưỡi hoặc ăn thực phẩm cay nóng, một số bệnh răng miệng khác.
Bác sĩ Trông khuyên người bệnh có vết loét trên ba tuần, kèm theo một số triệu chứng loét có ranh giới không rõ ràng, chảy máu, không lành, có mảng trắng hoặc đỏ kết hợp, đau khi nhai, nuốt, cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia giúp giảm nguy cơ bị ung thư lưỡi đồng thời cần khám sức khỏe định kỳ.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |