"Tôi ủng hộ đổi tên gọi những đoạn cao tốc chưa đạt chuẩn. Nếu gọi các đoạn đường hai làn xe hoặc bốn làn xe (nhưng không có làn khẩn cấp) là 'cao tốc' thì sẽ dễ tạo tâm lý chủ quan cho các tài xế. Một số người cứ đi cao tốc là chạy cho hết tốc độ tối đa, thành ra lạng lách liên tục trên đường.
Thực ra, mặc dù các đoạn này chưa đạt chuẩn nhưng chúng cũng đặc biệt hơn các đường quốc lộ khác là có thể chạy liên tục, không dừng, không giao cắt đồng mức và không có nhà dân hai bên đường. Thực tế, chúng ta đã gọi một số đường là N2, ĐT... nên có thể gọi những đoạn đường này là CT để phân biệt với cao tốc đạt chuẩn".
Đó là quan điểm của độc giả Luc Binh Trang về đề xuất đổi tên cao tốc hai làn xe thành đường tốc độ cao. Thời gian qua, nhiều dự án cao tốc đã được phân kỳ đầu tư chỉ có hai làn xe thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng như Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới, Tuyên Quang - Hà Giang, Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Thực tế đó đặt ra dấu hỏi cho việc quản lý, tổ chức giao thông tại các tuyến đường này so với cao tốc đạt chuẩn.
Đồng quan điểm về việc đổi tên cao tốc hai làn xe, bạn đọc Laicuong bình luận: "Thay tên rất có tác dụng, vì giữ tên cũ nên phải quản lý theo tiêu chuẩn đường cao tốc mới, dẫn đến nhiều bất cập. Ví dụ như trường hợp chiếc xe bảy chỗ gây tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới đây, tài xế cố vượt vì đoạn sau đó không được vượt nữa, phải đi rùa bò sau xe container.
Nếu đoạn tiếp theo quản lý như đường ngoài đô thị, chỗ nào đường thẳng tầm nhìn tốt kẻ nét đứt phân cách thì sẽ không còn cảnh cố vượt ở đoạn ngắn bốn làn nữa. Tai nạn tất nhiên do lỗi tài xế là chính, nhưng quản lý phân luồng giao thông hợp lý cũng góp phần làm chuyến đi bớt rủi ro".
Hiện nay, một số nước đặt tên cho "cao tốc phân kỳ" hai làn xe, không có dải phân cách cứng, không có làn dừng khẩn cấp là "đường tốc độ cao", tổ chức giao thông tương đồng với quốc lộ, chỉ điều chỉnh một số quy định do hai bên không có dân cư sinh sống.
Tuy nhiên, độc giả Hoàng Bách lại không ủng hộ việc đổi tên ở cao tốc Việt: "Sao cứ phải quan trọng hóa cái tên gọi của nó nhỉ? Đổi tên thì chất lượng đường có tăng hay giảm không? Hay lại tốn thêm phí này phí kia để đổi biển đổi thủ tục giấy tờ?
Thiết kế đường phù hợp nhu cầu hiện tại và điều kiện kinh tế kết hợp phân luồng, làn, tốc độ phù hợp là được. Sau này có điều kiện thì sẽ nâng cấp lên 4, 6, 8 làn xe. Đừng lấy lý do đường hai làn nên mới xảy ra tai nạn, vì tất cả là do ý thức của người tham gia giao thông mà thôi. Tôi chạy tuyến cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang cũng chỉ có hai làn, tốc cho phép tối đa chỉ 90 km/h nhưng vẫn thấy bình thường. Cứ chạy đúng làn, đúng tốc độ và giữ khoảng cách an toàn thì chẳng có vấn đề gì cả.
Có hai làn, tốc độ tối đa và tối thiểu cách nhau 20 km/h. Cứ chạy trong khoảng đó là được. Với hai làn cũng là thừa đủ để các xe phía sau chuyển làn và vượt lên nếu xe trước chạy chậm. Cái quan trọng là ý thức của mỗi người thôi, đừng đổ tại đường hẹp. Đường quốc lộ cũng hẹp và còn nhiều phương tiện hỗn hợp chạy mà các xe vẫn vượt ầm ầm được có sao đâu. Còn ý thức tồi thì đường có rộng như sân bay cũng vẫn tai nạn như thường thôi".
Đó cũng là nhận định của bạn đọc Trieu Tran: "Cao tốc nghĩa là đường có tốc độ cao, vậy sao có thể nói là đổi tên được khi gọi nó là 'đường tốc độ cao'? Một bên là từ Hán Việt , một bên từ thuần Việt, có khác biệt gì về mặt bản chất đâu? Hiện tại, tôi thấy đã có sự phân biệt rất rõ ràng giữa 'cao tốc' và 'cao tốc phân kỳ' rồi, vậy thì cần gì phải chú ý đến cái tên gọi kia nữa?
Mà cả kể có đổi thành đường tốc độ cao thì cũng như không mà thôi. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo lập ra các quy chuẩn, quy định riêng, rõ ràng cho hai loại 'cao tốc' và 'cao tốc phân kỳ' để áp dụng thực thi có hiệu quả, chứ không phải là đổi cái tên".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- 'Biển báo đường dẫn cao tốc TP HCM - Trung Lương đánh đố tài xế'
- Tôi sẵn sàng nhường đường dù đang chạy tốc độ tối đa trên cao tốc
- Lái ẩu trên cao tốc nhưng đổ tại đường sá, biển báo
- Thói ích kỷ của những tài xế bám làn trái cao tốc
- 'Liên tiếp tai nạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vì lái ẩu'
- Tài xế ích kỷ khi đi 'rùa bò' trên cao tốc