Quang trị liệu (liệu pháp ánh sáng) là phương pháp điều trị bệnh vảy nến bằng cách sử dụng tia cực tím (UV) để giảm viêm và làm chậm quá trình tạo tế bào da. Theo tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, Trưởng chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, phương pháp này thường được chỉ định khi người bệnh vảy nến điều trị bằng kem thoa không có hiệu quả, cũng có thể áp dụng cho các tình trạng da khác như bệnh chàm.
Có nhiều loại phương pháp điều trị vảy nến bằng tia cực tím, dưới đây là một số loại chính.
Liệu pháp ánh sáng cực tím B phổ hẹp
Theo bác sĩ Bích, tia cực tím B dải hẹp (NB-UVB) là dạng quang trị liệu phổ biến nhất, có thể sử dụng để điều trị bệnh vảy nến mảng bám (loại vảy nến phổ biến nhất) và bệnh vảy nến giọt.
Đèn và bóng đèn NB-UVB phát ra bước sóng ánh sáng từ 311 đến 313 nanomet (nm). Liều sử dụng ban đầu tùy thuộc vào loại da và mức độ dễ bị cháy nắng hoặc rám nắng của người bệnh. Liệu pháp ánh sáng NB-UVB hiệu quả nhất khi thực hiện hai hoặc ba lần một tuần. Khi da đã sạch vảy, có thể thực hiện các buổi duy trì hàng tuần.
Một nghiên cứu năm 2017 trên 420.000 tại Scotland cho thấy khoảng 75% người được điều trị bằng NB-UVB sạch vảy nến hoặc hạn chế tối thiểu triệu chứng. Họ cũng sử dụng ít kem theo toa hơn. NB-UVB có thể hiệu quả hơn khi kết hợp với các phương pháp điều trị tại chỗ, chẳng hạn các chất tương tự vitamin D và corticosteroid.
Liệu pháp ánh sáng cực tím B phổ rộng
Liệu pháp ánh sáng cực tím B phổ rộng (BB-UVB) là một hình thức cũ hơn NB-UVB nhưng tương tự nhau. Đèn và bóng đèn BB-UVB phát ra bước sóng ánh sáng từ 270 đến 390 nm, liều sử dụng ban đầu phụ thuộc vào loại da của người bệnh.
Bác sĩ Bích cho biết BB-UVB được coi là kém hiệu quả hơn NB-UVB, dành riêng cho những trường hợp không thể điều trị bằng NB-UVB. Kết hợp với retinoid acitretin có thể giúp da sáng nhanh hơn và sử dụng liều lượng UVB thấp hơn.
Liệu pháp ánh sáng cực tím B có mục tiêu
Liệu pháp này được áp dụng cho các vùng nhỏ trên cơ thể, thường bao gồm sử dụng tia laser excimer, ánh sáng excimer hoặc ánh sáng NB-UVB. Phương pháp điều trị này có thể hiệu quả với người bị vảy nến dưới 10% cơ thể. Người bệnh tiếp xúc với ít tia UV hơn, có thể giảm tác dụng phụ và rủi ro sức khỏe, đồng thời làm sạch da nhanh hơn. Để có kết quả tốt nhất, nên thực hiện hai đến ba lần một tuần.
Liệu pháp Psoralen cộng với tia cực tím A
Liệu pháp PUVA này sử dụng tia cực tím A (UVA) cùng với thuốc psoralen, một loại thuốc làm tăng độ nhạy cảm của người bệnh với ánh sáng. Psoralen có thể uống, pha vào nước tắm, bôi ngoài da. Nhìn chung, PUVA có hiệu quả cao nhưng không được sử dụng rộng rãi hoặc không có sẵn. Bác sĩ Bích cho biết PUVA đường uống có nguy cơ tương tác thuốc và tác dụng phụ cao nhất (như buồn nôn). Hiệu quả nhất khi kết hợp với retinoid đường uống. PUVA tắm là một lựa chọn khác, dù có thể kém hiệu quả hơn PUVA đường uống.
Để có kết quả tốt nhất, người bệnh nên thực hiện ít nhất 20 buổi trị liệu bằng ánh sáng. PUVA được đánh giá là quang trị liệu hiệu quả nhất để điều trị bệnh vảy nến, theo hướng dẫn điều trị năm 2019 của Viện Da liễu Mỹ (AAD) và Quỹ Bệnh vảy nến Quốc gia Mỹ (NPF). Tiếp theo là NB-UVB, liệu pháp UVB có mục tiêu và BB-UVB.
Dù PUVA có hiệu quả hơn về tổng thể, NB-UVB thường được các bác sĩ da liễu khuyên dùng vì ít tốn kém hơn, dễ sử dụng hơn và ít gây ra tác dụng phụ hơn. Để tăng hiệu quả, NB-UVB thường được sử dụng với các loại thuốc bổ sung. Những người có tông màu da sẫm hơn có thể cần liều cao hơn ban đầu để đạt hiệu quả tương tự.
Một số người không nên thử liệu pháp ánh sáng, bao gồm người mắc bệnh lupus, có tiền sử ung thư da, mắc bệnh khô da sắc tố khiến nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, dùng một số loại thuốc nhất định như một số loại kháng sinh, có thể gây nhạy cảm với ánh sáng, ảnh hưởng đến phương pháp điều trị này.
Quang trị liệu có thể gây một số tác dụng phụ như làm da bị đau và đổi màu, dẫn đến tàn nhang hoặc lão hóa da sớm, để lại mụn nước, thay đổi sắc tố da (nhất là ở những người có da sẫm màu). Phương pháp có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư da, vì vậy bác sĩ sẽ theo dõi các dấu hiệu cảnh báo trong và sau khi điều trị.
Anh Ngọc (Theo Healthline)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu tại đây để bác sĩ giải đáp |