Albert Einstein từng nói một câu rằng "tất cả những câu tổng quát đều sai, kể cả câu này". Cho nên khi đọc nhiều ý kiến về hạnh phúc của người phụ nữ trong một mùa Tết, tôi tự hỏi phụ nữ có thực sự vui vẻ với việc làm bạn với cái bếp suốt mấy ngày Tết không?
Có một giải nghĩa của "hạnh phúc" như sau: "phúc" là quả của "hạnh", của những hành động đem lại niềm vui và giá trị tích cực thực sự. Nếu việc bày vẽ nấu nướng chỉ là để cho người khác xem, trong khi họ thực tình cũng chẳng muốn ăn vì Tết nhất thừa mứa đồ ăn, lại dẫn theo hệ lụy là những cuộc chè chén, những cuộc tám chuyện gây mất đoàn kết, thì "hạnh" ở đâu để có "phúc" sau này? Người làng, người xóm sống với nhau cả năm, cả tháng, anh chị em gắn kết bằng huyết thống cả đời liệu có xa lạ hay gần gũi hơn chỉ vì mấy mâm cơm ngày Tết không?
Nếu một người phụ nữ cảm thấy niềm vui thực sự trong việc bếp núc thì tốt, nhưng hạnh phúc của một cá nhân đó không thể đem áp nguyên cho những người phụ nữ khác như một mặc định. Là một người phụ nữ, tôi cho rằng "với nhiều người phụ nữ, hạnh phúc là được quây quần bên gia đình 365 ngày trong năm và cả nhà khỏe mạnh và vui vẻ trong Tết".
Dĩ nhiên, có những người phụ nữ không có nhu cầu như tôi. Nhưng xin khẳng định lại rằng, hạnh phúc là kết quả của quá trình tích lũy lâu dài, chứ không phải 360 ngày trong năm bạn quăng quật cái hạnh phúc của phụ nữ ở một xó, đến ba ngày Tết lại lôi ra và khoác cho nó một cái định nghĩa đầy chủ quan rằng "đừng bắt họ nấu ăn".
Nếu trong năm, người phụ nữ sống không hạnh phúc, thì ba ngày Tết "trình diễn nấu ăn" không giải quyết được vấn đề gì. Nếu một đại gia đình cả năm lục đục thì mâm cao cỗ đầy ba ngày Tết cũng không phải là hạnh phúc thật sự. Cũng giống như việc ăn Tết nội - ngoại, hay chuyện Tết có nên về quê không, hỏi han chuyện lấy chồng, sinh con... tất cả chỉ là khoác một chiếc áo "hạnh phúc" đúng một cỡ một kiểu dáng lên người khác, không cần quan tâm họ có mặc vừa không, có đẹp không, có thở được trong cái áo đấy không?
>> Mẹ tôi mấy chục năm nấu cỗ Tết
Ba ngày Tết cũng chỉ như mọi ngày trong năm, chỉ là nhiều hoạt động hơn, ít đi làm hơn, nhưng người ta cứ cố gán cho nó đủ thứ ý nghĩa to lớn, rồi làm khó người khác, mà quên mất rằng trung tâm của hạnh phúc là con người. Nếu bản thân con người sống không vui vẻ, mọi lễ tiết, ngày tháng đều là vật chết. Vậy còn những người đàn ông ở đâu trong nỗ lực xây dựng hạnh phúc gia đình và làm người phụ nữ của họ hạnh phúc như lời hứa trước bố mẹ vợ ngày cưới?
Đương nhiên, ở nhiều nơi, phụ nữ đã quán xuyến cả việc làm mâm cỗ cúng gia tiên và thắp hương luôn thể, nên các ông chồng ung dung chuyển vị trí từ ban thờ sang chiếu nhậu. Theo quan điểm của các cụ quê tôi ngày xưa, để phụ nữ quán xuyến cỗ bàn ban thờ ngày Tết hoàn toàn là biểu hiện của một gia đình "không có cột", đảo lộn trật tự âm dương.
Cho nên, hãy nhớ rằng truyền thống tốt đẹp của dân tộc ghi nhận sự lao động của cả hai giới trong quá trình xây dựng nền tảng gia đình xã hội. Truyền thống dân tộc không thiên vị như các ông chồng ích kỷ, quàng "hạnh phúc" lên vai người phụ nữ như một nhiệm vụ phải hoàn thành, trong khi bản thân mình khoanh tay đứng ngoài như thể không liên quan.
Trên con đường chuyển mình từ xã hội nông nghiệp lên công nghiệp, chúng ta đã bỏ rất nhiều thứ. Có lẽ, điều nên cố gắng bỏ nhất là thôi ép nhau "trình diễn hạnh phúc" ba ngày Tết, thôi hỏi người khác lương bao nhiêu, bao giờ lấy chồng?
Đã đến lúc chúng ta thôi áp đặt quan niệm hạnh phúc như kiểu "nhà tôi thấy hạnh phúc sao nhà bạn lại không?", mà hãy hỏi xem chính bản thân và người thân mình xem họ có hạnh phúc không, chỗ nào chưa hạnh phúc, và làm thế nào để hạnh phúc hơn?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.