Trả lời:
Màng nhĩ là phần màng mỏng ngăn cách giữa ống tai ngoài và tai giữa, có chức năng tiếp nhận sóng âm, sau đó truyền vào trong. Ráy tai nằm ở ống tai ngoài, được tạo thành từ chất béo và cholesterol, có màu vàng, hơi dính, có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn, nấm, bụi bẩn... Ráy tai có cơ chế tự làm sạch, do đó không cần thiết phải lấy thường xuyên.
Khi lấy ráy tai, dụng cụ vệ sinh tai có thể gây ra một số vấn đề như đẩy ráy tai vào sâu trong ống tai ảnh hưởng đến quá trình làm sạch tự nhiên, làm bít tắc ống tai dẫn đến giảm khả năng nghe, ù tai. Một số dụng cụ vệ sinh tai có đầu nhọn, to làm trầy xước da ống tai, có thể dẫn đến viêm tai ngoài, thủng màng nhĩ.
Màng nhĩ bị thủng sẽ xuất hiện một số dấu hiệu bao gồm đau tai, ù tai, chảy máu tai. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm tai giữa. Khi có các biểu hiện trên, bạn cần nhanh chóng gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và nội soi kiểm tra, xác định có bị thủng màng nhĩ hay không.
Tự lấy ráy tai có thể gây tổn thương tai. Khi tắm xong, nhiều người có thói quen dùng ngón tay ngoáy tai. Móng tay cứng dễ làm xước ống tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào. Thói quen lấy ráy tai ở nơi hớt tóc là không nên vì 2 lý do. Thứ nhất là dụng cụ ở nơi hớt tóc không đảm bảo vệ sinh nên có thể làm lây truyền bệnh. Hơn nữa, người thợ hớt tóc không có đủ kinh nghiệm và quan sát rõ ràng để thực hiện vệ sinh tai an toàn. Một số người bị viêm tai giữa tự ý dùng oxy già để vệ sinh tai có thể làm bỏng niêm mạc ống tai, tổn thương niêm mạc tai giữa khiến bệnh nặng hơn.

Dùng tăm bông lấy ráy tai có nguy cơ gây viêm tai, thủng màng nhĩ. Ảnh: Freepik
Thói quen dùng tăm bông để ngoáy khô tai sau khi đi bơi cũng không tốt. Điều này có thể gây thủng màng nhĩ, trầy xước ống tai, tạo điều kiện cho vi trùng phát triển. Để làm khô tai, tốt nhất bạn nên nghiêng tai hướng xuống, nhấc vành tai lên xuống để nước chảy ra hoặc dùng khăn mềm lau bên ngoài tai.
Trẻ em, trẻ sơ sinh cũng là đối tượng dễ bị tổn thương tai do kích thước ống tai còn nhỏ. Một số phụ huynh lấy ráy tai của con sai cách nên vô tình dồn ráy tai vào sâu bên trong ống tai. Ngoài ra, trong lúc phụ huynh lấy ráy tai, trẻ vô tình chạm vào tai cũng có thể làm rách da ống tai, thậm chí là thủng màng nhĩ.
Các trường hợp nghi ngờ màng nhĩ bị thủng cần đến các cơ sở chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn, điều trị kịp thời. Nếu tổn thương nhẹ, màng nhĩ có thể tự lành. Trong trường hợp nặng hơn, phẫu thuật nội soi vá nhĩ sẽ giúp màng nhĩ kín, tránh tình trạng nhiễm trùng tai giữa, nghe kém ngày càng nặng.
Khi ráy tai nhiều gây cản trở quá trình nghe, gây đau, ù tai thì cần phải loại bỏ chúng. Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ giúp bạn làm sạch ráy tai bằng các dụng cụ vô khuẩn để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, nếu cảm thấy ngứa tai, bạn có thể dùng tăm bông, khăn giấy mềm, bông gòn vệ sinh vùng ngoài vành và vùng nông lỗ tai. Bạn cũng có thể nhỏ vài giọt chế phẩm làm tan ráy tai để dễ dàng làm sạch tai. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
ThS.BS.CKI Trương Trí Tường
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM