Bác sĩ Trần Huy Phước, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết vi khuẩn lao thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Khi miễn dịch cơ thể suy giảm, vi khuẩn gây bệnh lao phổi (chiếm 80-85% ca bệnh lao) và có thể theo đường máu, bạch huyết lan sang các bộ phận khác, gọi là lao ngoài phổi. Trong đó, lao thận là thể thường gặp.
Từ thận, vi khuẩn lao tiếp tục lan sang nhiều cơ quan lân cận. Mào tinh hoàn và tuyến tiền liệt thuộc vùng sinh dục nam dễ bị vi khuẩn lao tấn công nhất, gọi chung là lao sinh dục. Lao sinh dục thường gặp ở nam giới 20-50 tuổi, có tiền sử mắc bệnh lao, suy giảm miễn dịch, người bệnh HIV, tiểu đường, suy dinh dưỡng, hay sử dụng rượu bia, thuốc lá.
Bác sĩ Huy Phước cho biết nam giới nhiễm lao sinh dục có khả năng vô sinh theo hai cơ chế là vô sinh tắc nghẽn và vô sinh không tắc nghẽn.
Vô sinh tắc nghẽn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhiễm đến mào tinh hoàn, gây viêm, xơ hóa dẫn đến chít hẹp, tắc nghẽn ống dẫn khiến tinh dịch không thể thoát ra. Tương tự, lao tuyến tiền liệt ảnh hưởng tới túi tinh, có thể gây tắc ống phóng tinh tại vị trí qua tuyến tiền liệt.
Vô sinh không tắc nghẽn xảy ra khi vi khuẩn lao xâm nhiễm tới tinh hoàn gây xơ hóa mô, phá hủy cấu trúc tinh hoàn, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất tinh trùng.
Theo bác sĩ Huy Phước, lao sinh dục diễn tiến âm thầm, ít triệu chứng, khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh nam khoa khác. Như trường hợp vi khuẩn xâm nhiễm gây sưng đau tinh hoàn, người bệnh có thể được chẩn đoán nhầm là viêm tinh hoàn. Trong khi đó, trường hợp lao tuyến tiền liệt thường không có biểu hiện. Người bệnh có thể tiểu buốt, rát, ra máu tương tự một số bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Đa phần lao sinh dục thường xuất phát từ lao tiết niệu. Khi đó, xét nghiệm nuôi cấy nước tiểu hoặc tinh dịch có thể được dùng để chẩn đoán lao. Theo bác sĩ Huy Phước, lao sinh dục ở nam giới có thể điều trị khỏi, nhưng người bệnh không thể hoặc khó khôi phục được những tổn thương do biến chứng gây ra trước đó.
Nam giới nhiễm bệnh không hoàn toàn mất khả năng sinh sản, trừ trường hợp vi khuẩn lao xâm nhiễm tới tinh hoàn, gây xơ hóa, giảm khả năng sản xuất tinh trùng. Các trường hợp xơ hóa, tắc nghẽn ống dẫn tinh có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Để phòng bệnh, nam giới cần giữ vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thường xuyên mở cửa để không khí thông thoáng, phơi quần áo chăn màn dưới trời nắng. Đeo khẩu trang bảo vệ hô hấp đạt tiêu chuẩn như loại N95 hoặc tương đương trở lên khi tiếp xúc với người có dấu hiệu lao. Người có tiền sử lao phổi, cơ địa suy giảm miễn dịch nên xét nghiệm và tầm soát lao định kỳ.
Thắng Vũ
Độc giả gửi câu hỏi bệnh tiết niệu - nam khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |