Mỡ máu luôn có hại
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mỡ máu (lipid máu) không có hại, cơ thể cần nó để duy trì sự sống. Cấu trúc tế bào cần các loại lipid máu bao gồm triglyceride, cholesterol tốt (HDL) và cholesterol xấu (LDL). Nếu một trong những yếu tố này dư thừa hoặc thiếu thì có hại cho cơ thể, gây ra những bệnh liên quan đến rối loạn mỡ máu như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc động mạch chi dưới...
Người trẻ không cần xét nghiệm mỡ máu
Không ít người trẻ 20-30 tuổi, thậm chí trẻ 4-5 tuổi cũng bị nhồi máu cơ tim. Nguyên nhân có thể do tình trạng di truyền gọi là tăng cholesterol máu gia đình dị hợp tử (FH). Những trường hợp có người thân bị cholesterol cao hoặc nhồi máu cơ tim trước 55 tuổi với nam và 65 tuổi đối với nữ, trẻ em, thanh thiếu niên nên kiểm tra FH.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị người từ 20 tuổi trở lên nên kiểm tra mức cholesterol sau mỗi 4-6 năm. Người trên 45 tuổi hoặc có tiền sử gia đình, tiền sử bản thân mắc bệnh tim có thể sàng lọc thường xuyên hơn.
Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ (AAP) khuyến nghị tất cả trẻ em nên được sàng lọc cholesterol cao trong độ tuổi 9-11, sớm hơn nếu trẻ có tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm.
Không thể kiểm soát được lượng cholesterol trong cơ thể
Di truyền là yếu tố nguy cơ rối loạn mỡ máu không thể thay đổi được. Bên cạnh di truyền, các nguyên nhân góp phần gây rối loạn mỡ máu thường bắt nguồn từ thói quen, lối sống không lành mạnh. Người tiêu thụ quá nhiều calo, chất béo bão hòa, cholesterol và chất béo chuyển hóa, lạm dụng đồ uống kích thích, đồ uống có cồn, ít vận động, thừa cân béo phì dễ mắc bệnh. Người mắc các bệnh thận mạn tính, đái tháo đường, suy giáp, xơ gan - mật nguyên phát, các bệnh gan ứ mật khác, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), hội chứng Cushing, rối loạn đường ruột (IBS)... cũng có nguy cơ cao.
Phó giáo sư Vinh khuyến cáo kiểm soát cholesterol trong cơ thể, phòng ngừa rối loạn mỡ máu bằng cách tăng cường rau xanh, trái cây tươi trong thực đơn hàng ngày để tăng chất xơ. Dùng chất béo không bão hòa lành mạnh có trong các loại hạt, đậu, dầu cá, dầu ô liu... Hạn chế chất béo không lành mạnh có trong thịt đỏ, sản phẩm từ sữa, carbohydrate tinh chế, chocolate, thực phẩm chiên rán. Duy trì cân nặng ổn định, tránh thừa cân béo phì, tập thể dục tối thiểu 150 phút mỗi tuần.
Người hút thuốc lá nên bỏ hút thuốc, không uống rượu bia hay đồ uống có cồn, hạn chế nước ngọt, nên uống nhiều nước. Tránh ngồi trong thời gian dài, nên đi lại, vận động nhẹ trong thời gian làm việc.
Chỉ số mỡ máu thấp không bị nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim hay đột quỵ không chỉ bắt nguồn từ rối loạn mỡ máu. Tiền căn gây ra những tình trạng này là quá trình xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch liên quan đến 4 yếu tố là thuốc lá, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường. Người có chỉ số mỡ máu trong giới hạn cho phép nhưng ba yếu tố còn lại vẫn hiện diện thì vẫn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Mỡ máu mức độ trung bình đến nặng không cần dùng thuốc kiểm soát
Mục tiêu trong điều trị rối loạn mỡ máu là hạn chế biến chứng do xơ vữa động mạch như hội chứng mạch vành cấp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thiếu máu não thoáng qua, bệnh động mạch ngoại biên. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Người bị rối loạn mỡ máu nhẹ có thể chưa cần dùng thuốc. Điều trị hướng tới tuân thủ lối sống lành mạnh, tái khám định kỳ để theo dõi chỉ số mỡ máu có tăng hoặc giảm hay không. Bên cạnh điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt, nhóm người có chỉ số mỡ máu trung bình đến cao cần dùng thuốc kiểm soát mỡ máu theo chỉ định của bác sĩ.
Thu Hà