Bố tôi phải nhập viện giữa những ngày dịch bệnh cao điểm nhất và tôi đang ở cách nhà hơn 1.600 km. Ngoài những cuộc điện thoại (video call) mỗi ngày và một chút hỗ trợ về mặt kinh tế, tôi gần như không thể làm gì hơn cho bố. Tôi là một trong những người trẻ thuộc làn sóng di cư về những đô thị lớn để làm việc, chấp nhận sống xa quê hương và gia đình.
Hải Phòng quê tôi không phải một vùng nông thôn hẻo lánh mà là một thành phố trực thuộc trung ương. Bố mẹ tôi có thể bắt một chuyến bay thẳng vào TP HCM thăm con mỗi khi có dịp mà không cần phải trung chuyển quá nhiều phương tiện khác. Tuy nhiên, bây giờ "dịp" là một định nghĩa hoàn toàn phụ thuộc vào "dịch".
Khớp gối của bố tôi bị viêm nặng, ông cũng chờ dịp lên Hà Nội để mổ ở bệnh viện mà thẻ bảo hiểm có bảo lãnh viện phí. Thế nhưng cái "dịp" đó không tới được do tình hình dịch bệnh ở thủ đô và các tỉnh lân cận ngày càng phức tạp, trong khi cái chân đau của bố tôi không chờ được nữa. Vậy là bố nhập viện ở Hải Phòng đúng những ngày dịch căng thẳng nhất. Chỉ có mẹ tôi được phép vào chăm, mọi người đều hiểu: giờ ai ở đâu nên ở yên đấy.
Tôi không phải là người trẻ duy nhất phải sống xa nhà. Phần lớn bạn bè tôi đều rời quê hương đi học đại học từ năm 18 tuổi. Chỉ một số ít sẽ về lại Hải Phòng để làm việc, còn phần đông khác sẽ làm việc tại Hà Nội, TP HCM, hoặc du học và làm việc tại nước ngoài. Hơn mười năm xa nhà, tôi gặp bạn bè tứ xứ và hiểu rằng chúng tôi cũng không phải nhóm thiểu số.
Làn sóng dịch chuyển và đô thị hóa đẩy thế hệ millennials (thế hệ Y - những người sinh ra trong khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000, đến nay khoảng 18–34 tuổi) đi khắp nơi trên thế giới, kéo họ đi rất xa so với mái ấm thời ấu thơ. Chúng tôi vẫn kết nối với gia đình, thông qua công nghệ, và cố gắng chăm sóc bố mẹ mình bằng một chút ít tiền gửi về.
Số lượng người trong độ tuổi trung niên và già ngày càng cao. Theo dự báo dân số Việt Nam của Liên hợp quốc, năm 2020 mức độ dân thành thị chiếm khoảng 37,7% và độ tuổi trung bình của người dân là 32,5. Các con số này sẽ lần lượt tăng lên 60% và 41,2 vào năm 2050. Tức là các thành phố lớn cứ ngày một phình ra và dân số ngày một già đi. Điều đáng nói là sự giãn nở dân số và già hóa không diễn ra đồng đều về mặt địa lý. Những thành phố lớn sẽ ngày một lớn theo nghĩa đen, và những thành phố nhỏ dần trở nên già cỗi, phụ thuộc.
>> Trẻ cậy cha, già cậy viện dưỡng lão
"Trẻ cậy cha, già cậy con" là câu tục ngữ thể hiện một truyền thống lâu đời của người Việt. Theo đó, khi con còn nhỏ, cha mẹ là người dạy dỗ nuôi nấng. Khi cha già, con là cây gậy cho cha mẹ nương tựa. Tuy khái niệm này không còn thực sự phù hợp trong lối sống hiện đại, bởi nhiều người cho rằng cha mẹ không nên khoác "tấm áo" trách nhiệm lên con cái. Vòng lặp "hy sinh đời bố, củng cố đời con" sẽ mãi không dứt nếu ai cũng mang tư tưởng nhờ cậy, dựa dẫm. Câu chuyện này, tôi cho rằng nên nhìn nhận từ hai phía.
Thứ nhất, trẻ cậy cha là chuyện hoàn toàn bình thường. Tôi không cổ xúy những trường hợp ngông nghênh theo kiểu "có biết bố tao là ai không?", mà nhìn nhận việc cha mẹ tạo dựng nền tảng tốt cho con cái là điều cần thiết. Một đứa trẻ được nuôi dạy bằng tình thương và kiến thức, được tắm mình trong môi trường lành mạnh và định hướng đúng đắn, có thể sẽ sớm tìm ra con đường phát triển của mình.
Tôi từng có bốn năm học tập tại Học viện Ngoại giao, nơi mọi người thường tặc lưỡi "con ông cháu cha cả" (còn gọi là 5C). Tôi ước những người đó có thể gặp gỡ và tiếp xúc với những bạn 5C để biết rằng họ là những cá nhân rất tài giỏi, được tiếp cận với môi trường ngoại giao từ văn hóa gia đình một cách bài bản. Vì vậy, nếu họ có đạt được một điều gì đó trong sự nghiệp chuyên ngành sớm hơn bạn bè cùng trang lứa, thì đó là kết quả của một quá trình trau dồi bền bỉ. Không phải đứa trẻ nào "cậy cha" cũng là đứa trẻ vô dụng.
Thứ hai, già có cậy được con không? Nếu trông cậy được thì ở khía cạnh nào? Chắc hẳn cha mẹ nào cũng có một kỳ vọng nhất định đối với con mình. Trông cậy ở đây có thể là mong con tiếp tục thực hiện mong ước dở dang thời trẻ, có thể là ước mơ cho con thành đạt, có kinh tế ổn định. Rất nhiều cha mẹ khác chẳng mong gì ngoài con cái mình khỏe mạnh, hạnh phúc.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế và khách quan, thế hệ những người ngoài 50 tuổi, hiện nay đang lao động tự do ở Việt Nam chiếm số lượng lớn. Đây là thế hệ những 6x, 7x lớn lên trong thời kỳ đổi mới và buộc phải tích lũy, kiếm tiền với rất nhiều thay đổi xã hội. Ước mơ một thời của thế hệ này là có công ăn việc làm nhà nước để khi về già có lương hưu, nhưng thực tế nhiều người đã phải chọn con đường "không ổn định" để đủ ăn, đủ mặc, và lo được cho những đứa con.
>> Đánh cược tuổi già bằng lương hưu
Bố tôi là một trong những công nhân buộc phải xin nghỉ hưu sớm không lương ở nhà máy đóng tàu Bạch Đằng để ra ngoài làm xưởng nhôm khi tôi bắt đầu đi học. Tiền lương công nhân không đủ để nuôi một đứa trẻ ăn học, mà mẹ tôi khi ấy lại bắt đầu mang thai đôi. Tôi lớn lên với lời dạy "cố gắng tìm việc làm ổn định, có lương hưu để sau này đỡ phải lo". Bố mẹ tôi và chắc hẳn nhiều người cùng thế hệ đó cũng không hình dung nổi năm 2020 quỹ lương hưu của Việt Nam sẽ bắt đầu thâm hụt và nguy cơ cạn kiệt vào năm 2029, theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Bỏ lại phía sau làn sóng dịch chuyển về các thành phố lớn của người trẻ là những người già ở quê nhà. Tương lai của họ sẽ dần phụ thuộc vào những đứa con. Dù đường sá giao thông và công nghệ có phát triển cách mấy, chúng tôi vẫn có khoảng cách nhất định với người thân ở lại. Chúng tôi vẫn phải tự nhủ lại câu thơ rất hay của nhà thơ Trần Nhuận Minh trong bài "Dặn con" rằng phải sống tử tế bởi: "Lòng tốt gửi vào thiên hạ/ Biết đâu nuôi bố sau này".
Vài năm trở lại đây, bố mẹ tôi bắt đầu tính chỗ dưỡng già. Tôi can ngăn, không muốn bố mẹ chuyển đến những thành phố lớn để sống gần con cái, vì thực sự mảnh đất này chỉ hợp để đi làm, đi chơi. Ai lại chọn dưỡng già ở nơi đắt đỏ và đông dân bậc nhất cả nước bao giờ? Thế rồi, một lần nằm viện của bố khiến tôi cứ đau đáu: "Trẻ cậy cha, già cậy ai bây giờ?".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.