Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tập thể dục hoặc chơi thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe giúp kéo dài tuổi thọ, giảm tử vong do bệnh tật. Tuy nhiên, với một số cá nhân đặc biệt, việc tập thể dục hoặc chơi thể thao có thể là yếu tố khởi phát gây đột tử, thường xảy ra ở người ít vận động hoặc có bệnh tim mạch trước đó mà không được phát hiện.
"Nguy cơ này khác nhau tùy thuộc độ tuổi, bệnh lý tim mạch và môn thể thao tham gia. Tỷ lệ ngưng tim tăng cao ở người tập luyện với cường độ mạnh, đặc biệt ở người tập không thường xuyên", ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Revista Española de Cardiología, tỷ lệ đột tử ở vận động viên chơi thể thao cường độ mạnh khoảng 1,6/100.000 người, so với ở người bình bình thường là 0,75/100.000 người. Thống kê của Hiệp hội Tim mạch châu Âu cho thấy, 56 - 80% đột tử ở vận động viên trẻ xảy ra trong lúc đang chơi thể thao, nguy cơ xảy ra ở nam cao gấp 3-9 lần so với nữ. 75% trường hợp đột tử khi chơi thể thao hoặc đang tập luyện là do nguyên nhân tim mạch; còn lại là do bất thường mạch máu não, co thắt phế quản, đột ngột ngừng tim, và một số trường hợp không xác định được nguyên nhân.
Đột tử do tim ở vận động viên trên 35 tuổi thường liên quan đến bệnh xơ vữa mạch vành, trong khi ở người trẻ nguyên nhân chính là do bệnh tim cấu trúc hay di truyền. Các nguyên nhân tim mạch khác dễ gây đột tử gồm bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim thất phải sinh loạn nhịp, hẹp van động mạch chủ, bất thường đường đi của động mạch vành, viêm cơ tim, bệnh tim bẩm sinh, hội chứng QT dài, hội chứng kích thích sớm...
Vì vậy, theo bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều cần tầm soát và tư vấn trước khi chơi thể thao nhằm phát hiện những bất thường có thể gây đột tử trong lúc tập luyện, đặc biệt ở người lớn tuổi, người mới bắt đầu luyện tập hay chơi môn thể thao cường độ mạnh, hoặc thi đấu. Với mỗi độ tuổi sẽ có những hướng dẫn cụ thể về thể loại, thời gian và cường độ tập phù hợp.
Bác sĩ khi khám tầm soát sẽ tìm hiểu tiền sử bản thân, gia đình, khám lâm sàng, đo điện tâm đồ và siêu âm tim. Những người trên 35 tuổi cần làm thêm kiểm tra cận lâm sàng loại trừ bệnh mạch vành do xơ vữa trước khi chơi thể thao như điện tâm đồ gắng sức hay chụp CT động mạch vành có thuốc cản quang.
Các trường hợp cần đánh giá sâu hơn về nguy cơ đột tử khi chơi thể thao, bao gồm:
- Tiền sử gia đình có cha mẹ, anh chị em ruột bị nhồi máu cơ tim hoặc đột tử < 50 tuổi; có bệnh cơ tim, bệnh mạch vành, hội chứng Marfan, hội chứng QT dài, rối loạn nhịp nặng.
- Tiền sử bản thân từng ngất hoặc gần ngất, đau ngực, khó thở (hụt hơi) tăng lên khi mức độ gắng sức tăng dần; hồi hộp, tim đập không đều.
- Nghi ngờ hội chứng Marfan (tay chân dài quá mức, cao lêu nghêu, cận thị nặng); mạch tay chân bắt không đều hoặc mất; nghe âm thổi ở tim, tiếng tim không đều; huyết áp cao ≥ 140/90 mmHg.
- Điện tâm đồ và siêu âm tim có bất thường.
Qua khám tầm soát, nếu người bệnh có nguy cơ đột tử hoặc có bệnh tim mạch mà trước đây không biết thì sẽ được hướng dẫn điều trị phù hợp, khuyến cáo không nên chơi những môn thể thao cạnh tranh hay thi đấu, điều trị phòng ngừa bằng thuốc hay đặt máy phá rung ngừa đột tử.
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Tâm Anh quy tụ chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật các phác đồ điều trị mới theo hướng dẫn của các Hiệp hội Tim mạch trong nước và quốc tế; trang bị hệ thống máy móc hiện đại như: máy chụp CT ứng dụng trí tuệ nhân tạo, máy chụp cộng hưởng từ tiên tiến; máy siêu âm tim, siêu âm mạch máu (động mạch cảnh, mạch máu ngoại biên...) thế hệ mới dựng hình ảnh 4D, hệ thống máy DSA chụp mạch vành 2 bình diện... giúp tầm soát, chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh tim mạch.
Để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia tim mạch tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, khách hàng vui lòng liên hệ:
- 108 phố Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội. Hotline: 1800 6858
- 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM. Hotline: 0287 102 6789
- Fanpage: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
- Website: https://tamanhhospital.vn