Trả lời:
Mũi khô rát là tình trạng phổ biến khi thời tiết trở lạnh. Những người sống ở miền Bắc hoặc vùng cao nguyên càng bị ảnh hưởng nhiều hơn vào mùa đông.
Có nhiều nguyên nhân gây khô mũi như: nhiệt độ thay đổi đột ngột khi thời tiết trở lạnh; tiếp xúc với khói thuốc, khí thải; mắc bệnh viêm mũi họng mạn tính; stress kéo dài... Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể cải thiện chứng khô mũi của bạn.
Bôi trơn mũi: Làm ẩm và bôi trơn niêm mạc mũi là một trong những biện pháp cải thiện tình trạng mũi khô rát trong mùa lạnh. Bạn có thể dùng dầu dừa để làm ẩm hai lỗ mũi bằng cách nhỏ một giọt ra đầu ngón tay để đưa vào trong lỗ mũi và ngoáy xung quanh. Dầu dừa giàu tinh chất dưỡng ẩm hỗ trợ bảo vệ niêm mạc mũi khỏi tình trạng khô rát.

Dùng dầu dừa làm ẩm và bôi trơn niêm mạc mũi, giúp giảm khô rát mũi. Ảnh: Freepik
Máy xông hơi: Không khí lạnh với độ ẩm thấp khiến mũi bị khô, đau. Bạn có thể sử dụng máy xông hơi trong nhà để cung cấp độ ẩm. Máy xông hơi cần được vệ sinh hàng ngày để tránh nhiễm nấm mốc, phòng ngừa nguy cơ nhiễm nấm xoang từ máy xông hơi bị ô nhiễm.
Thuốc xịt mũi: Nếu khô rát mũi kèm nghẹt mũi, bạn có thể dùng thuốc xịt mũi, tuy nhiên cần có sự tư vấn từ bác sĩ. Bạn không nên sử dụng thuốc xịt mũi kéo dài, tránh tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến mũi.
Nhỏ nước muối sinh lý: Nước muối sinh lý lành tính có thể sử dụng để nhỏ hàng ngày giúp làm ẩm niêm mạc mũi, góp phần phòng ngừa viêm nhiễm. Khi có vảy đóng khô, bạn nên dùng nước muối sinh lý làm ẩm trước khi lấy các vảy ra ngoài để tránh nguy cơ chảy máu mũi.
Đeo khẩu trang: Đeo khẩu trang mỗi khi bạn đi ra ngoài trời giúp bảo vệ mũi khỏi khói bụi và không khí khô lạnh. Bạn nên chọn loại khẩu trang tiêu chuẩn, chú ý khẩu trang vải để tránh tình trạng lông vải bay vào mũi gây dị ứng bụi vải.
Những biện pháp trên có thể cải thiện tình trạng khô mũi trong mùa đông lạnh giá. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc tăng nặng hơn, bạn nên khám chuyên khoa tai mũi họng. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị phù hợp cho bạn.
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM