Ung thư gan không triệu chứng
Ông Nguyễn Văn Quang (61 tuổi, ở Phú Thọ) khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội vào tháng 10/2021. Qua các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện ông có một khối u lớn ở gan trái kích thước 6x10 cm, một số nốt nhỏ nằm rải rác hai bên gan kích thước 13-16 mm. U lan tỏa ra khắp gan nhưng ông Quang không có triệu chứng bất thường nào. Bác sĩ chẩn đoán ông mắc ung thư biểu mô tế bào gan (ung thư gan nguyên phát) giai đoạn III. Nếu không điều trị ngay, bệnh có thể chuyển biến phức tạp như huyết khối tĩnh mạch cửa, khối u di căn xa hoặc nguy cơ vỡ chảy máu, gây suy kiệt sức khỏe và nguy hiểm tính mạng.
"Người bệnh ngoài tổn thương lan tỏa gan trái còn một số nốt rải rác hai gan nên không thể phẫu thuật. Trong khi đó, kích thước u gan trái quá lớn nên cũng không thể thực hiện đốt sóng cao tần (RFA)", TS.BS Nguyễn Duy Trinh, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết.
Bác sĩ Duy Trinh, người thực hiện ca can thiệp, cho biết, phương pháp nút mạch được xem là lựa chọn tối ưu cho ông Quang. Với khả năng tiếp cận chính xác các mạch máu nuôi khối, kỹ thuật nút mạch giúp làm tắc các nhánh nuôi, phối hợp với hóa chất chống ung thư để cho khối u không còn được nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử và teo nhỏ. Phương pháp cũng bảo tồn được chức năng gan, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. "Trường hợp khối u lớn như bệnh nhân Quang cần nút mạch nhiều lần để bít tắc triệt để nguồn máu nuôi, hạn chế nguy cơ tái phát", bác sĩ Duy Trinh nói thêm.
Sau một giờ can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, sức khỏe ổn định và được xuất viện một ngày sau đó. Khi quay lại tái khám đầu tháng 11, hình ảnh chụp CT gan cho thấy, khối u gan trái giảm 30% kích thước so với ban đầu, các nốt u nhỏ đọng nhiều hóa chất nút mạch và không còn tăng sinh mạch.
Bệnh nhân được chỉ định nút mạch lần 2. Các bác sĩ kỳ vọng sau lần thứ 2 nút mạch, chỉ số ung thư của bệnh nhân có thể giảm về mức gần như bình thường.
![Sau lần nút mạch đầu tiên, u gan trái giảm 30% kích thước, các nốt nhỏ không còn tăng sinh mạch.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/04/16/H6-3975-1640935324-6145-164560-7775-7883-1650085871.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AdM5EFYSSvDLfm1qVAHuIw)
Sau lần nút mạch đầu tiên, u gan trái giảm 30% kích thước, các nốt nhỏ không còn tăng sinh mạch.
Điều trị ung thư gan giai đoạn muộn
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, ung thư biểu mô tế bào gan có thể điều trị triệt căn bằng phương pháp phẫu thuật hoặc đốt sóng cao tần với điều kiện khối u nhỏ dưới 3 cm và chưa xâm lấn, di căn hay nốt vệ tinh. Tuy nhiên, đa phần người bệnh phát hiện muộn, khi khối u lớn và lan rộng nên rất khó điều trị bằng đốt hay phẫu thuật. Lúc này, can thiệp nút mạch được sử dụng như giải pháp tối ưu cho người bệnh.
PGS Hiền cho biết thêm, ưu điểm của nút mạch là tập trung nồng độ thuốc vào đúng vị trí khối u, hạn chế tối đa tổn thương sang các mô gan lành xung quanh nên bảo tồn được chức năng gan sau điều trị. Người bệnh không cần gây mê mà chỉ cần gây tê tại chỗ, sức khỏe hồi phục nhanh, thời gian nằm viện rút ngắn 1-2 ngày so với 5-7 ngày nếu thực hiện phương pháp phẫu thuật.
Nút mạch là kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao. PGS Hiền nhấn mạnh, bác sĩ thực hiện cần có kiến thức bệnh học và được đào tạo chuyên sâu về điện quang can thiệp và mạch máu, đặc biệt là kinh nghiệm thực tế để tránh bỏ sót mạch nuôi khối u, không gây tổn thương các mô lành lân cận. Bên cạnh đó, hiệu quả phương pháp phụ thuộc không nhỏ vào chất lượng các thiết bị máy móc đi kèm.
"Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để gia tăng hiệu quả điều trị ung thư, chúng tôi sử dụng vật liệu tắc mạch Lipidol phối hợp hóa chất Farmorubicin, đạt được hai hiệu quả cùng lúc là tắc mạch và diệt ung thư ngay tại chỗ. Kỹ thuật được tiến hành trong phòng mổ Hybrid vô khuẩn hiện đại nhất hiện nay với máy chụp mạch DSA sắc nét, cho phép bác sĩ thao tác với độ chính xác cao và hạn chế tối đa sai sót", PGS Hiền cho biết.
![PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền (người đầu tiên, bên phải) theo dõi một ca nút mạch dưới hướng dẫn của máy chụp mạch DSA.](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2022/04/16/Dieu-tri-ung-thu-gan-7637-1640-2394-4391-1650085871.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=U8-4kyKxF9viabU2cNG-iA)
PGS.TS.BS Nguyễn Xuân Hiền (người đầu tiên, bên phải) theo dõi một ca nút mạch dưới hướng dẫn của máy chụp mạch DSA.
Nút mạch là kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, điều trị hiệu quả không chỉ ung thư biểu mô tế bào gan mà còn cả nhóm u lành tính như u xơ tử cung, u phì đại tiền liệt tuyến. Phương pháp này còn được ứng dụng trong điều trị cầm máu khi ho ra máu, xuất huyết tiêu hóa, chảy máu sau sinh hoặc chấn thương... Đánh giá tổng quan quá trình can thiệp bằng nút mạch tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho thấy, 95% bệnh nhân được điều trị thành công với khối u teo nhỏ, các triệu chứng giảm hoặc chấm dứt, bệnh nhân hài lòng với kết quả điều trị.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Ngọc An (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Theo thống kê của GLOBOCAN, ung thư gan là loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam năm 2020 với hơn 26.400 ca mắc mới và hơn 25.000 ca tử vong.
Ở giai đoạn đầu, ung thư gan rất khó phát hiện với những triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển như chán ăn, chướng bụng, tức hạ sườn... Ở giai đoạn muộn, bệnh bộc lộ các triệu chứng rõ ràng như sụt cân, buồn nôn, mệt mỏi, ăn uống kém, da có thể vàng...
Theo bác sĩ Hiền, ở giai đoạn muộn, mọi phương pháp điều trị đều khó khăn và hiệu quả không cao. Do đó, việc tầm soát ung thư gan cần đặt lên hàng đầu. Người dân nên khám sức khỏe định kỳ 6 -12 tháng/lần, nhất là đối tượng có nguy cơ cao như viêm gan B, C, xơ gan, viêm gan mạn tính, người uống rượu lâu năm...
Để chủ động phòng ngừa ung thư gan, một trong những biện pháp quan trọng là tiêm vaccine viêm gan B bởi có đến 70% trường hợp ung thư gan do viêm gan B gây ra.