Con gái đầu lòng của vợ chồng chị Bình chào đời đầu năm 2025 bằng phương pháp mổ lấy thai, nặng 2,9 kg. Trước đó, họ được chẩn đoán hiếm muộn do lớn tuổi, chị Bình dự trữ buồng trứng thấp. Vợ chồng từng một lần bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), hai lần thụ tinh ống nghiệm (IVF) và chuyển phôi ba lần đều thất bại.
Chị Bình và chồng đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVF Tâm Anh TP HCM) thăm khám năm 2024. "Chị Bình là ca khó bởi điều trị nhiều năm thất bại, tuổi không còn trẻ, số lượng và chất lượng trứng giảm", BS.CKI Châu Hoàng Phương Thảo, Phó giám đốc trung tâm, cho biết. Để IVF thành công và sinh con khỏe mạnh cần kết hợp tìm nguyên nhân chuyển phôi thất bại, tạo phôi ngày 5 loại tốt và chuẩn bị nội mạc chất lượng trước khi chuyển phôi.
Sau khi có được phôi, chị Bình được chỉ định nội soi buồng tử cung tìm nguyên nhân thất bại làm tổ ở các lần chuyển phôi trước. Kết quả nội soi buồng tử cung và sinh thiết nội mạc tử cung cho thấy chị Bình bị viêm mạn tính nội mạc tử cung. Tình trạng này thường do vi khuẩn gây ra nhưng diễn tiến âm thầm và không triệu chứng. Bệnh làm giảm khả năng tiếp nhận phôi của lớp nội mạc, cản trở phôi làm tổ. Đây là nguyên nhân khiến chị Bình ba lần áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thất bại.
Chị Bình được điều trị một đợt kháng sinh để kiểm soát tình trạng viêm. Ở chu kỳ kích trứng đầu tiên, bác sĩ thu được 7 trứng trưởng thành để thụ tinh ống nghiệm với tinh trùng của chồng. Nhờ hệ thống nuôi cấy tối ưu các điều kiện về độ ẩm, ánh sáng, không khí, độ pH cân bằng, gắn camera quan sát liên tục và tích hợp phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI), họ thu được một phôi ngày 3, hai phôi ngày 5, một phôi ngày 6.
Chuyên viên phôi học đánh giá toàn bộ quá trình phân chia và phát triển của phôi thai, phát hiện phôi ngày 5 có dấu hiệu phân chia bất thường. Bác sĩ quyết định chuyển phôi ngày 3 chất lượng tốt vào buồng tử cung. Chị Bình đậu thai ngay lần đầu, có con sau hơn 10 năm hiếm muộn.
![Chị Bình sinh mổ ở tuần thai 39 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Tuệ Diễm](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/09/A-nh-1-1739111470-3797-1739111703.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=L74HX1FbVe6vRevbz0YWuw)
Chị Bình sinh mổ ở tuần thai 39 tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Ảnh: Tuệ Diễm
Bác sĩ Thảo cho biết số lượng và chất lượng trứng ở nữ giới suy giảm mạnh sau tuổi 35. Đến tuổi 40, tỷ lệ có con tự nhiên chỉ khoảng 5% mỗi tháng. Ở độ tuổi lớn, phụ nữ cũng kèm theo các bất thường ở cơ quan sinh sản như ứ dịch, tắc ống dẫn trứng, viêm nhiễm trong buồng tử cung, lạc nội mạc tử cung buồng trứng... là những nguyên nhân gây vô sinh.
Do đó, các cặp vợ chồng sau một năm (hoặc 6 tháng nếu trên 35 tuổi) quan hệ đều đặn mà chưa có thai nên đi khám toàn diện sức khỏe sinh sản sớm. Trì hoãn điều trị càng lâu, số lượng và chất lượng trứng, tinh trùng càng suy giảm, khả năng tạo phôi thấp, nguy cơ phôi bất thường, giảm tỷ lệ thụ thai, tăng khả năng sảy thai, thai lưu, trẻ sinh ra dị tật.
Tại IVF Tâm Anh, tỷ lệ phụ nữ từ 35 tuổi, vô sinh từ 5 năm trở lên, thất bại chuyển phôi nhiều lần... chiếm 67%. Nhóm phụ nữ ít trứng được kích thích buồng trứng với phác đồ phù hợp thể trạng để thu được tối đa số trứng chất lượng tốt nhất. Trường hợp cạn kiệt buồng trứng được áp dụng trữ trứng tích lũy (gom trứng) hay gom phôi nhiều chu kỳ, nuôi phôi lên ngày 5.
Các bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi cản trở thai làm tổ được điều trị dứt điểm trước khi chuyển phôi. Ngoài ra, phác đồ chuẩn bị niêm mạc tử cung, tạo ra môi trường tử cung thuận lợi nhất nhận phôi làm tổ góp phần tăng tỷ lệ thành công, sinh con khỏe mạnh. Tại IVF Tâm Anh TP HCM, năm 2024, hơn 80% vợ chồng vô sinh hiếm muộn được điều trị thành công và có con. Tỷ lệ phụ nữ ngoài 40 tuổi có con bằng trứng của chính mình là hơn 44%.
Ngọc Châu
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |