"Hiện có nhiều tình trạng 'cò đất' lợi dụng các thông tin về sáp nhập tỉnh, dự án hạ tầng lớn để thổi phồng giá đất. Điều này tạo ra một sự hưng phấn giả tạo, khiến nhiều nhà đầu tư lao vào mà không tìm hiểu kỹ. Nhưng thực tế, phần lớn giao dịch ở những khu vực này chỉ là 'lướt cọc', tức là mua đi bán lại nhanh chóng để kiếm lời chênh lệch, và đẩy giá đất lên cao một cách không bền vững.
Đã đầu tư thì cần giữ một cái đầu lạnh, tránh bị cuốn theo tâm lý đám đông - FOMO, và những lời hứa hẹn mơ hồ từ 'cò đất'. Việc mua đất khi hạ tầng chưa hoàn thiện tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Khi hạ tầng chưa có, việc thanh khoản sẽ rất khó khăn. Cũng với số tiền đó, bạn có thể mua đất trong các dự án của các chủ đầu tư, họ có cam kết làm hạ tầng cụ thể, sẽ an toàn hơn rất nhiều".
Đó là quan điểm của độc giả Sophiesophie cho câu hỏi "Có nên vay tiền đầu tư lướt sóng đất 'ăn theo' sáp nhập tỉnh?". Thị trường bất động sản những ngày nay đang xôn xao bởi các tin đồn liên quan đến quy hoạch, sáp nhập các tỉnh thành. Sau sáp nhập sẽ tạo ra các trung tâm đô thị mới, những khu vực trước đây bị lãng quên hoặc thiếu vốn do tỉnh cũ hạn chế giờ có thể thành điểm đầu tư hấp dẫn. Đặc biệt, nơi nào có tiềm năng lớn như khu công nghiệp, cảng biển, mà tỉnh nhỏ không đủ sức quản lý, nay về tay tỉnh lớn sẽ được khai thác tốt hơn, bên cạnh việc được tận dụng thêm nguồn vốn rót về từ tỉnh lớn. Tuy nhiên, đằng sau đó lại tiềm ẩn không ít rủi ro, nhất là nguy cơ "đu đỉnh" khi nhà đầu tư mua vào đúng lúc giá cao nhất rồi thị trường quay đầu.
Cùng chung suy nghĩ thận trọng trước sự biến động của thị trường bất động sản thời điểm này, bạn đọc Josephcaoo cảnh báo: "Chỉ cần mọi người không đổ xô đi mua đất theo tụi 'cò' thì giá đất sẽ mau chóng bình ổn trở lại. Số người vẫn vậy, quỹ đất vẫn vậy, chỉ có điều nó thay đổi tên tỉnh thôi. Giả sử ai cũng đổ xô đi mua đầu tư chứ không ở, thì lúc đó giá đất sẽ lên ầm ầm. Rồi người muốn mua ở thực sự cũng có bấy nhiêu thôi. Họ thấy cao và quá tầm tiền thì lúc đó lại không mua tiếp. Cuối cùng, giá đất rồi cũng hạ nhiệt, và người lỗ chính là các bạn, còn 'cò đất' mãi ăn tiền".
>> Tôi 'bị điên' khi mua nhà Sài Gòn 13 năm trước
Nhấn mạnh rủi ro khi nhà đầu tư lướt sóng đất ăn theo sáp nhập tỉnh, độc giả Wuchunjian bình luận: "Bao giờ cũng thế, 'cò đất' luôn tranh thủ các thông tin về quy hoạch để thổi giá kiếm lời. Nhà đầu tư cần cảnh giác, chỉ nên lựa chọn các dự án của chủ đầu tư uy tín, pháp lý đầy đủ để tránh tiền mất tật mang. Bài học về việc lướt sóng đất nền, vẫn còn nguyên giá trị".
"Các nhà đầu tư cần thận trọng trước tình trạng một số 'cò đất' lợi dụng thông tin về việc sáp nhập tỉnh hay triển khai các dự án hạ tầng quan trọng để đẩy giá đất lên cao một cách bất hợp lý. Việc chạy theo những tin đồn chưa được xác thực có thể dẫn đến rủi ro tài chính lớn. Lịch sử đã chứng kiến nhiều đau thương của các nhà đầu tư lướt sóng đất rồi", bạn đọc Phú Quý kết lại.
- Hối hận vì chọn thuê nhà 3,5 triệu một tháng thay vì vay nợ mua nhà
- Mua 3 nhà Sài Gòn nhờ công thức vay ngân hàng 30%
- Vợ chồng tôi cho thuê nhà Hà Nội 400 m2 để về tỉnh sống sướng
- Bi kịch căn nhà dưỡng già đánh đổi cả đời
- Vay mua nhà trung tâm Sài Gòn vì chán cảnh 'ở Quận 12, đi làm Quận 1'
- 'Cầm ba tỷ đồng nửa năm không mua nổi đất ngoại thành Hà Nội'