Thời gian qua, câu chuyện "cấm xe máy" lại trở thành chủ đề tranh luận khi Nghị quyết tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025 được ban hành. Để có cái nhìn tổng thể về việc cấm xe máy, hãy cùng xem cách mà một số nước trong khu vực đã làm để cải thiện tình trạng giao thông.
Myanmar là nước tiên phong trong việc cấm xe máy khi quốc gia này đã thực hiện chính sách ở thủ đô Yangon từ năm 2003. Lệnh cấm xe máy hiện chỉ được áp dụng nghiêm ngặt ở khu vực trung tâm Yangon. Bất kỳ người nào đi xe máy trong các khu vực cấm sẽ bị phạt 20.000 Kyat (khoảng 300.000 đồng) và có thể bị thu giữ phương tiện.
Ở mặt tích cực, tình trạng cướp giật và số vụ tai nạn giao thông đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, hệ lụy của nó lại nằm ở nhu cầu di chuyển của người dân. Thống kê cho thấy, tốc độ di chuyển trung bình ở khu vực trung tâm giảm từ 38 km/h xuống chỉ còn 10 km/h. Thời gian chuyển phát hàng trung bình ở thành phố lớn thứ hai của Myanmar là Mandalay là 32 phút, trong khi con số tương tự ở Yangon là 50 phút, nghĩa là gấp rưỡi.
Lệnh cấm xe máy khiến người dân phải phụ thuộc rất nhiều vào phương tiện công cộng nhưng hệ thống xe buýt của thành phố lại rất chật chội, lạc hậu. Nếu ai đã từng đi xe buýt ở Yangon thì có lẽ họ sẽ cảm thấy hạnh phúc khi xe buýt ở Việt Nam vẫn còn "đỡ tệ" hơn rất nhiều. Tình trạng kẹt xe ở Yangon có thể nói là không kém gì ở TP HCM hay Hà Nội, nếu như không muốn nói là tệ hơn.
Sau gần hai thập kỷ áp dụng lệnh cấm xe máy ở thủ đô Yangon, những bất cập trên vẫn chưa được khắc phục và chính phủ Myanmar vẫn chưa thể áp dụng lệnh cấm xe máy ở các thành phố lớn khác.
>> 'Cấm xe máy để không mất một giờ cho đoạn đường bốn km'
Jakarta là một thành phố có nhiều nét tương đồng với TP HCM và Hà Nội, cũng từng thực hiện lệnh cấm xe máy nhưng đã phải từ bỏ do hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân.
Trong khi đó, với các đô thị ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, hệ thống giao thông công cộng hoạt động cực kỳ hiệu quả, cộng với việc đường có nhiều làn, nhiều tầng, rất thuận lợi cho ôtô lưu thông. Riêng hệ thống giao thông công cộng của họ đã gánh tới 50% nhu cầu đi lại của người dân, nên theo lẽ tự nhiên thì số lượng người dân sử dụng xe máy đi lại giảm xuống dưới 30%. Và từ đó, họ mới có cơ sở để cấm xe máy mà không gặp trở ngại gì.
Tuy nhiên, cấm xe máy không phải là cách duy nhất để cải thiện hiện trạng giao thông của một thành phố, hay một quốc gia.
Đài Loan là một ví dụ điển hình. Đây là nơi có mật độ dân số gấp đôi Việt Nam, khoảng 688 người/km2 (so với 300 người/km2 của nước ta), cũng như tỷ lệ xe máy rất cao, khoảng 67 xe/100 dân (vẫn cao hơn con số 50 xe/100 dân ở ta). Dù có mật độ xe máy cao như vậy, nhưng hiện trạng giao thông của Đài Loan không lộn xộn, tắc đường nhiều như ở Việt Nam.
Cụ thể, thành phố lớn nhất là Đài Bắc có thu nhập bình quân khoảng 30.000 USD nhưng phương tiện chủ yếu của họ vẫn là xe máy. Trước năm 2000, nơi đây cũng tắc đường chẳng kém gì ở TP HCM, Hà Nội hiện tại. Nhưng sau đó nhờ quy hoạch giao thông phù hợp mà tình trạng tắc đường đã giảm một cách rõ rệt. Vậy nên, bài học ở đây là có thể không cần cấm xe máy hoàn toàn mà vẫn giải quyết được tình trạng tắc đường bằng cách chia sẻ hợp lý không gian, làn đường, nguồn lực cho tất cả các phương tiện giao thông, hỗ trợ nhau trong việc phục vụ di chuyển, tránh gây bất tiện cho người dân.
>> 'Biện minh xe buýt chưa phát triển để bảo thủ với xe máy'
Quay trở lại với câu chuyện cấm xe máy ở nước ta, theo tôi, đó chỉ là phương án giải quyết phần ngọn của vấn đề. Còn cốt lõi vẫn là đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân. Như các bạn đã thấy, Yangon sau 20 năm cấm xe máy vẫn không thể đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, Jakarta thậm chí phải từ bỏ lệnh cấm xe máy với lý do tương tự. Vậy Việt Nam sẽ mất bao lâu để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân nếu cấm xe máy?
Đài Bắc là một ví dụ điển hình để cho thấy rằng cấm xe máy không phải là cách duy nhất để cải thiện hiện trạng giao thông. Phải chăng, Việt Nam cũng nên tham khảo cách làm này?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.