"Nhiều người cứ bảo công việc quá tải, áp lực, làm ngoài giờ nhiều, sếp đối xử bất công, trả lương thấp thì nghỉ đi, sao phải cố làm việc như vậy cho thiệt thòi?Nhưng nói ra thì dễ lắm, chứ nghỉ việc hay không, người lao động còn phải dằn vặt, tâm lý, áp lực hơn nhiều so chuyện cố làm làm tiếp.
Tôi mãi mới được người nhà xin cho vào làm ở phòng truyền thông của một công ty có tiếng. Công việc của tôi rất cực, thời gian làm việc theo thỏa thuận ban đầu là từ 8h-17h30 nhưng thực tế là 8h-21h. Công ty của tôi có hẳn còi báo hiệu đã kết thúc giờ làm việc nhưng tuyệt nhiên không thấy ai rời khỏi ghế ngồi một chút nào vì còn quá nhiều việc cần giải quyết. Ngay cả thời gian ăn trưa cũng chỉ được đúng 30 phút rồi lại phải ngồi vào ghế làm việc tiếp và hoàn toàn không được ngủ trưa.
Từ 8h-21h, lúc ở văn phòng, phải đi đi lại lại liên tục giữa trời nóng rất mệt, nhưng tôi vẫn bị sếp quở trách vì làm việc không nhanh, mặc dù tôi làm đã một tháng và có nhiều kinh nghiệm ở các công ty cũ. Làm việc quần quật 13 tiếng một ngày như vậy nhưng tôi chỉ nhận được vỏn vẹn sáu triệu đồng mỗi tháng tiền lương. Dù cũng được tăng lương dần theo thời gian, nhưng công việc rất mệt mỏi, áp lực đè nén, không thể ăn uống gì nhiều, phải dùng thuốc để giải tỏa căng thẳng tức thì... cũng vì vậy mà tôi để ý đồng nghiệp trong phòng đều gầy đét: người có vợ, có con mà không khác gì 'que củi', ai cũng xanh xao, hốc hác.
Thực tế, tương lai, trách nhiệm của một người đàn ông trong gia đình sánh ngang với tương lai sự nghiệp đấy. Nhìn quanh, cũng có mấy công việc tốt hơn đâu, mà cái tôi cần lại là sự ổn định, không thích di chuyển chỗ này chỗ nọ, thử hỏi đến 50 tuổi bị họ sa thải thì tôi biết làm ở đâu? Tăng lương, về đúng giờ làm gì khi sếp lúc nào cũng phàn nàn tất cả nhân viên và ngay cả sếp cũng áp lực không kém, ở lại đến 21h mới về thì ai dám về đúng giờ được? Cuối cùng, ai cũng đành phải bán sức khỏe vì sự nghiệp, vì ổn định khi về già thôi".
Đó là chia sẻ của độc giả Huynguyenquang5 xung quanh câu chuyện "Sếp bắt làm việc đến 19h không trả thêm đồng nào". Theo quy định của Luật Lao động, thời gian làm việc bình thường của người lao động không quá tám giờ trong một ngày và 48 giờ trong một tuần. Người sử dụng lao động chỉ có thể yêu cầu người lao động làm thêm giờ nếu được sự đồng ý của người lao động, không quá 50% số giờ làm việc bình thường, và được nghỉ bù. Tuy nhiên, thực tế, ở nhiều công ty tại châu Á, trong đó có Việt Nam, người lao động vẫn phải chấp nhận làm việc ngoài giờ quy định trong hợp đồng mà không được hưởng những quyền lợi đi kèm.
Nói về nguyên nhân của thực trạng này, bạn đọc Hanh Nguyen nhận định: "Bởi vì ở châu Âu luật pháp rất nghiêm, họ có hệ thống công đoàn bảo vệ người lao động, nên làm việc ở châu Âu thường rất sướng: đúng giờ vào làm, đúng giờ được về, làm thêm 15 phút thì chủ cũng phải trả thêm tiền. Chính vì điều đó nên chủ ở nước ngoài mỗi nhìn thấy công nhân từ xa đã phải chào hỏi niềm nở. Do đó, Việt Nam cũng cần phải có những chế tài tốt hơn để bảo vệ quyền lợi của người lao động, không thể chỉ làm giàu cho mấy ông chủ".
>> Sếp trả lương 3 triệu đồng nhưng bắt tôi làm như người giúp việc
Trong khi đó, độc giả Tuân Hầm lại cho rằng, vấn đề nằm ở tính hiệu quả, năng suất làm việc của bản thân người lao động còn thấp: "Thực ra, Âu - Mỹ đã trải qua cả một thế hệ làm việc cật lực để tích lũy. Nhưng họ làm việc cật lực để tìm ra cách giải quyết vấn đề nhanh hơn, chứ không phải chỉ để giải quyết công việc mà không phát triển gì. Một ngày, Google tốn không biết bao nhiêu tiền chỉ để chi vào cả triệu sáng kiến 'vu vơ', cả Amazon hay Microsoft cũng vậy. Đó là lý do họ không ngừng phát triển.
Còn ở châu Á, nơi nặng nề tư duy kinh nghiệm và chăm chỉ, gần như mọi người ít có không gian phát huy bản thân mà chỉ 'in lại' cái đã có. Do vậy, để tăng năng suất, người ta chỉ có thể tăng khối lượng công việc theo kiểu thêm người và thêm giờ, 'xài hết mức rồi vứt'. Điều đó khiến không có chỗ cho con người tái tạo sức lao động và phát huy thế mạnh".
Đồng quan điểm, bạn đọc Khoa Nguyen nhấn mạnh chất lượng công việc sẽ quyết định thời gian làm việc: "Tôi đang làm việc tại một công ty của châu Âu ở Việt Nam, nhân sự khoảng 30-40% là người nước ngoài. Ở công ty tôi, nhân viên thường đi làm tương đối muộn, tầm 9h và về tầm 18-19h. Thỉnh thoảng, đến giai đoạn nhiều deadline, tôi sẽ làm việc đến 20-21h hoặc mang việc về nhà làm đến 1-2h sáng, lúc nào xong thì mới nghỉ.
Các nhân viên người Việt thường ra về khá đúng giờ, và các sếp người nước ngoài cũng thoải mái với vấn đề đó. Tuy nhiên, bản thân các sếp lại là người thường ra về cuối cùng, phổ biến vào khoảng 19-20h. Theo suy nghĩ của tôi thì đi làm về lúc mấy giờ không quan trọng, quan trọng là nhân viên có hoàn thành được khối lượng công việc được giao hay không?
Deadline của công ty nên là thứ phải được ưu tiên tuyệt đối, lúc nào cần phải xong thì dù đi sớm về muộn cũng phải xong. Cả một bộ máy khổng lồ không thể ngưng trệ chỉ vì một mắt xích cảm thấy bị ngược đãi vì làm thêm giờ. Trong khi bản thân họ chưa chắc đã làm việc hiệu quả và tối đa năng suất trong tám tiếng có mặt ở công ty.
Còn nếu ai đó xử lý được tất cả khối lượng công việc với chỉ bốn tiếng một ngày, họ xứng đáng được về sớm và tăng lương".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.