(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tôi hiện tại đang làm Quản lý Nhân sự cho một công ty nước ngoài. Đọc bài viết của tác giả bài viết "Nhiều sinh viên mới ra trường chỉ giỏi lên mạng xã hội"', tôi thấy đây chỉ là một cái nhìn đơn chiều, hơi tiêu cực. Rất nhiều người chưa từng suy nghĩ một cách nghiêm túc rằng, vì sao nhân viên của mình lại "nhảy việc"? Tôi xin phép kể lại quá trình làm việc của tôi để lý giải vấn đề này.
Khi tôi mới ra trường xin việc, như rất nhiều người trẻ khác, tôi thiếu rất nhiều kỹ năng. Trong thời gian học Đại học, tôi cũng làm rất nhiều nghề, từ trông xe, phụ quán nét, giao gas để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vì vậy, ngoài kiến thức chuyên ngành, tôi chỉ có khả năng giao tiếp tạm ổn. Vì chưa thực sự làm việc trong lĩnh vực của mình, tôi chấp nhận rằng mình cần phải tích lũy thêm, thời gian đầu không thể yêu cầu quá cao về lương và phúc lợi.
Khi tôi xin được công việc đầu tiên, với cái mác "không có kinh nghiệm", tôi vào làm nhân viên Nhân sự cho một công ty gia công với mức lương thực lãnh cao hơn lương tối thiểu vùng một chút. Tôi học tập từ những cái nhỏ nhất như sử dụng máy photo, sắp xếp các tên email khi gửi, khác biệt giữa "To" và "Cc" trong gửi email, trình ký với các sếp... Đương nhiên, không phải lúc nào các đồng nghiệp cũng sẵn lòng chỉ giáo cho tôi những vấn đề này, thậm chí họ còn la mắng hay khó chịu, nhưng tôi chấp nhận.
>> Tôi bỏ việc lương 17 triệu đồng vì bị sếp đối xử bất công
Bước ngoặt xảy ra khi công ty tôi bị kiểm toán thường niên từ khách hàng. Theo yêu cầu của khách hàng, công ty tôi sử dụng ERP để quản lý dữ liệu công nhân viên và tính toán công, lương. Nhưng mã nguồn thì chúng tôi không có, trong khi bên bán lại hỗ trợ rất kém, nên khi các quy định pháp luật thay đổi, hoặc chúng tôi thay đổi chính sách thì ERP lại không cập nhật tương ứng. Vì vậy công ty tôi thường phải tính lương cho công nhân viên trên Excel trước, rồi so sánh sai lệnh và bù lại vào ERP. Vấn đề ở đây là khả năng Excel của các nhân viên khác thì khá hạn chế, nên bị sai sót nhiều và công ty bị phạt thư cảnh cáo.
Lúc này, tôi liền học VBA, mục đích là lập trình những hàm mới bổ sung cho Excel, giúp việc tính toán chính xác hơn. Sau ba tháng, với nhiều đêm thức trắng, tôi hoàn thành được tất cả các hàm tính toán công, lương cho công ty, điều mà những nhân viên lâu năm trong cùng phòng không thể làm được trong thời gian dài. Sếp của tôi rất mừng, khen ngợi trước mặt mọi người trong phòng nhưng những "vấn đề xung quanh" thì không hề đề cập tới.
Tôi có hẹn riêng sếp và hỏi về vấn đề lương bổng của mình. Tuy nhiên, sếp chỉ nói lại rằng tuy tôi giỏi nhưng mới vào công ty, không thể tăng lương cho tôi ngay được. Tôi lặng lẽ nộp đơn nghỉ việc, làm đủ 30 ngày theo quy định và phỏng vấn ở công ty mới.
>> 'Sếp trả lương bất công - người tài có tâm đến mấy cũng bỏ việc'
Với kỹ năng sẵn có, tôi được nhận làm Chuyên viên C&B và hưởng mức lương cao gấp ba lần so với công ty cũ. Từ những kinh nghiệm đó, bây giờ, khi đã làm quản lý, tôi rút ra một điều rằng, người lao động thực ra họ đang bán sức lao động cho công ty, lương của công ty trả là tiền mua sức lao động của họ. Vì vậy, bạn cần hiểu "thuận mua, vừa bán". Khi họ mới ra trường, bạn có thể trả lương thấp cho họ, với lý do là họ ít kinh nghiệm, đóng góp cho công ty không nhiều (nhưng vẫn có đóng góp, vẫn tạo ra giá trị cho công ty). Nhưng khi họ làm một thời gian, kỹ năng đã hình thành, thì bạn cần đánh giá năng lực của họ một cách minh bạch, và trả một mức lương tương xứng hơn với sức lao động của họ. Nếu bạn làm được, họ sẽ không còn lý do nào để "nhảy việc" cả.
Rất nhiều công ty khi nhận người trẻ vào làm thì trả một mức lương bèo bọt, nhưng khi họ cống hiến một thời gian thì vẫn giữ y nguyên mức đó. Chính bản thân người quản lý không thực sự để tâm tới việc đánh giá năng lực của nhân viên, thì làm sao yêu cầu họ phải gắn bó lâu dài?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Minh Khôi