Tôi năm nay 30 tuổi, là thợ sửa chữa laptop. Do cách nói chuyện không được khéo léo nên đành phải đi làm thuê. Từ quê lên Sài Gòn năm 2016, tôi vào một công ty tư nhân chuyên sửa laptop học nghề rồi xin ở lại làm. Lúc đầu làm lương tháng 4 triệu đồng, rồi tăng dần dần đến 2 năm rưỡi thì lương được 14,5 triệu đồng.
Hai tháng nay, máy khách sửa tăng đột biến nên sếp thay đổi cách tính lương là tính sản phẩm chứ không còn tính lương cố định theo tháng. Nghe những người làm trước nói lại, lúc mới mở công ty cũng tính lương cho thợ là 180 nghìn đồng mỗi máy sửa được, không có lương cơ bản, một tháng làm được bao nhiêu hưởng bấy nhiêu. Giờ sếp nói tính phần trăm trên máy nhưng lại không nói là bao nhiêu và không nói lương cơ bản là bao nhiêu, chỉ nói để hết tháng xem mỗi người sửa chữa thế nào rồi cho biết kết quả.
>> Tôi không bao giờ nhảy việc chỉ vì đồng lương to
Tôi cứ nghĩ tính 180 nghìn đồng/ máy thì làm 100 máy cũng được 18 triệu đồng, cộng với lương cơ bản chắc cũng cao. Nhưng tới hết tháng 9 vừa rồi, sếp gửi mail tính lương khiến tôi không tin vào mắt mình. Thợ được 20% trên mỗi máy mình sửa và một điều không hợp lý là máy sửa cho khách công ty lấy giá khác và tính lại thợ giá khác. Ví dụ tính khách máy đó 650 nghìn đồng nhưng tính lại thợ máy đó là 450 nghìn đồng và thợ chỉ được 20% (tức 90 nghìn đồng).
Nhắn tin khiếu nại, tôi được sếp giải thích rằng trừ tiền linh kiện, nhưng trong khi đó máy sửa nguồn (không thay linh kiện) chiếm 70%, vậy mà sếp tính gom chung lại tất: tính cho tôi máy cao nhất là 500 nghìn đồng, thấp nhất là 350 nghìn đồng. Sau khi cộng lương cơ bản, cộng thưởng sửa trên 100 máy/ tháng, tôi được trả 17,7 triệu đồng.
Nhìn công sức bỏ ra, tôi tự hỏi cuộc sống này tiền có phải là tất cả không? Đã biết cách tính không công bằng vậy tại sao tôi vẫn ở lại làm tiếp? Tháng này, tôi dự định nghỉ về quê một thời gian rồi lên Sài Gòn tìm nơi khác làm.
Xem nhiều trong ngày:
> 'Malaysia rất sợ Công Phượng'
> Giáo viên đánh học sinh có thể tạo ra thế hệ 'lì lợm'
> 'Đêm ở Đài Loan đáng sống như ngày'
> 'Lương dưới 10 triệu đồng đừng vội cưới'
> Xếp loại bằng đại học như một 'bản án học lực'
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.