Một khảo sát tâm lý người mua bất động sản thực hiện với 1.000 người đầu năm 2023 cho thấy, những người đã sở hữu 3 bất động sản trở lên có nhu cầu tiếp tục mua bất động sản trong năm tới chiếm đến 87%. Với người đã sở hữu 1-2 bất động sản, nhu cầu tiếp tục mua tài sản chiếm lần lượt 66-79%. Ngay cả nhóm người chưa có nhà đất, nhu cầu mua bất động sản cũng chiếm 46%. Có thể thấy người Việt vẫn muốn mua nhà đất để kiếm lời thay vì để ở, dù địa ốc đóng băng.
Ở đây, tôi tự hỏi, liệu những người đầu cơ bất động sản kia có thực sự hiểu về thị trường này hay không? Hay họ chỉ chạy theo đám đông, đổ xô nhau đi mua đất để mong bán trao tay kiếm lời, góp phần đẩy giá bất động sản lên cao, làm người có nhu cầu ở thật sự không thể mua được nhà.
Thực tế hiện nay, chính sách vẫn đang quá dễ dãi với thị trường bất động sản, nên vô tình kích thích tình trạng đầu cơ, gây hại cho nền kinh tế. Nhiều người có chút tiền, thay vì đầu tư vào các lĩnh vực khác lại tranh nhau mua đất rồi để đấy chờ tăng giá để bán kiếm lời. Đã đến lúc Việt Nam cần phải có những chính sách đủ mạnh để người dân không còn muốn đầu cơ bất chấp vào bất động sản như bây giờ nữa. Chỉ khi đó, dòng tiền mới được luân chuyển vào sản xuất, kinh doanh, nền kinh tế mới phát triển bền vững được.
Có nhiều bạn hỏi không đổ tiền vào đất thì biết đầu tư vào đâu? Thực ra, có rất nhiều kênh đầu tư lành mạnh mà không đòi hỏi quá nhiều về trình độ chuyên môn, như: ăn uống, du lịch, dịch vụ... Nếu không thể đầu tư trực tiếp, bạn vẫn có thể đầu tư gián tiếp thông qua chứng khoán chẳng hạn. Nói chung, không thiếu các lĩnh vực để người dân lựa chọn đầu tư.
>> Vẫn đầu tư nhà đất vì 90% tài sản của tôi là bất động sản
Nhìn ở tầm vĩ mô, đất nước ta sẽ không thể giàu mạnh khi không "hút" được tiền từ nước ngoài. Chỉ có sản xuất, xuất khẩu mới có thể mang tiền về cho đất nước. Chứ trên thế giới, có nước nào giàu lên nhờ người dân tự bán đất qua lại cho nhau để kiếm lời không? Tôi nghĩ rằng nhiều người Việt lao đầu vào đầu cơ bất động sản đơn giản vì họ thấy nó quá dễ kiếm lời, chứ chẳng phải nó mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế.
Đúng là giá đất ngày càng cao là một xu thế tất yếu, nhưng vấn đề là đà tăng cao đó đến từ nhu cầu mua để ở, hay chỉ vì nhóm người mua để đầu cơ liên tục gom hàng, thổi giá, đẩy giá bất động sản lên mức phi thực tế, vượt quá giá trị thực của nó? Cùng một lô đất, chẳng ai ở, chẳng ai thuê, kinh doanh cũng chẳng được, thế mà từ năm trước qua năm sau đã tăng giá tới 2-3 lần hoặc hơn nữa, thử hỏi nó có phải năng lực thần kỳ nào của người đầu tư đất? Bất thường nằm ở chỗ đó.
Chúng ta nên phân định rõ ràng rằng bất động sản tăng giá vì kinh tế phát triển, chứ không phải kinh tế phát triển vì giá bất động sản tăng. Mấy năm vừa rồi, dịch Covid-19 hoành hành, làm ăn khó khăn, doanh nghiệp điêu đứng, sản xuất đình trệ, cửa hàng đóng cửa vô số, ấy vậy mà bất động sản nhiều nơi vẫn cứ tăng giá tới hai, ba lần. Như thế có phải điều bình thường không?
Bởi vì nhiều người mua nhà không phải để ở mà là mục đích đầu cơ, nên đẩy giá bất động sản tăng phi mã. Nếu bạn mua nhà với giá 3 tỷ đồng để đầu tư, rồi cho thuê được 36 triệu đồng một tháng. Tức là sau khoảng bảy năm bạn sẽ hoàn vốn và bắt đầu có lời. Những khoản đầu tư như thế, tôi cho là hợp lý và hoàn toàn ủng hộ vì nó không làm giá bất động sản tăng đột biến.
>> 'Mua đất nền chờ lên giá chẳng khác nào chơi xổ số'
Nếu giá cao do quy luật cung cầu, do bất động sản đó có giá trị, vị trí đắc địa, làm ăn kinh doanh được, là chuyện hoàn toàn hợp lý. Còn nếu ai mua đất đầu tư mà tính ra tới 70 năm mới hoàn được vốn thì rõ ràng đó là mức giá vô lý, vượt quá giá trị thật của nó. Khi đó, người mua chỉ muốn chờ "sốt đất" để bán kiếm lời chứ không hề muốn đầu tư lấy lãi thông thường.
Ở đây, tôi không nói chuyện kinh doanh, sản xuất là dễ dàng, ai cũng làm được. Nhưng một đất nước chỉ giàu có khi sản xuất ra được sản phẩm chất lượng để bán cho nước ngoài. Các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn, Trung Quốc cũng đều đi lên từ những định hướng như vậy. Không có đất nước nào giàu có khi toàn dân đổ xô mua đất rồi bán lại cho nhau như chúng ta cả.
Tình trạng này này xảy ra chính vì đầu cơ bất động sản ở ta quá dễ, quá chắc chắn sinh lời, nên ai ai cũng chỉ chăm chăm mua đất ăn xổi. Thay vì sản kinh doanh rồi tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất lâu dài, người dân lại quay sang mua đất để giữ của. Điều đó có thể tốt cho cá nhân, nhưng lại cực kỳ xấu cho cả xã hội, và đó là điều tôi phản đối.
Nói về cạnh tranh thì đầu tư kinh doanh ở Mỹ, Nhật, Hàn... chắc chắn sẽ khốc liệt hơn ở Việt Nam. Nhưng quan trọng là ở nước họ vẫn có chính sách để dòng tiền đầu tư đi vào những kênh khác ngoài bất động sản. Thậm chí, lãi suất tiết kiệm còn duy trì gần ngưỡng 0% trong một thời gian dài để người dân không muốn gửi tiết kiệm mà mang tiền đi đầu tư snar xuất, kinh doanh. Đầu tư trực tiếp như mở công ty, hoặc đầu tư gián tiếp qua chứng khoán, trái phiếu... vẫn còn tốt hơn dòng tiền đổ vào bất động sản rồi nằm im ở đấy.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.