Nếu so sánh quy mô và giá trị của hai lĩnh vực bất động sản và nông sản sẽ rất khập khiễng, bao gồm rất nhiều chỉ tiêu, yếu tố. Nhưng có thể xem ở thời điểm hiện tại, lĩnh vực bất động sản đang ở tình trạng gần giống như nông sản, đó là cần một cuộc giải cứu đúng nghĩa.
Hiện nay, nói đến câu chuyện giải cứu bất động sản, người ta thường nghĩ ngay đến phương án dùng nguồn vốn để cung ứng cho thị trường này, điều đó quả thực không công bằng cho các lĩnh vực khác, dù rằng bất động sản có sức ảnh hưởng rất lớn đến mọi ngành nghề khác trong nền kinh tế.
Theo nguồn tổng hợp các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản cho thấy, tính đến thời điểm cuối năm 2022, tổng giá trị hàng tồn kho của một số doanh nghiệp bất động sản lớn niêm yết trên sàn chứng khoán đã lên tới gần 270.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2021.
Mượn dẫn câu chuyện giải cứu thanh long, dưa hấu hay gần đây nhất là cuộc giải cứu cam sành, dù thời gian diễn ra rất ngắn, nhưng đều được nhiều người dân hưởng ứng, ủng hộ. Tại sao người ta sẵn sàng chi tiền để mua nông sản? Không chỉ vì cuộc giải cứu mà còn vì giá thành rẻ hơn bình thường đến 50%, kích thích tiêu dùng.
Tất nhiên, nếu đứng từ khía cạnh lợi nhuận của nông dân thì thật đau đớn khi phải giảm giá, bán lỗ, tuy nhiên nếu xét về góc độ hiệu quả giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn thì dù có lỗ một chút cũng vẫn có tiền để tai sản xuất, còn hơn là bỏ đi, không được đồng nào. Từ đó, hàng hóa được luân chuyển, tiền mặt được lưu thông, vòng đời của sản phẩm và nguồn vốn được tái quay vòng cho nền kinh tế, điều đó rõ ràng còn hơn là sự trì trệ, cố chấp. Từ những cuộc giải cứu như thế, một lượng hàng tồn kho được giải quyết chóng vánh.
>> Tích lũy 50 năm mới đủ tiền mua nhà - bài toán có hại
Theo như kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực cho vay và xử lý nợ xấu, đã nhiều lần tiếp xúc, quan sát nhiều nhà đầu tư bất động sản dự án từ nhỏ đến lớn, cho đến khách hàng vay đầu tư kinh doanh bất động sản, tôi nhận thấy luôn có một thái độ chung là cứ mặc kệ và không chấp nhận bán lỗ, thà để cho ngân hàng siết nợ.
Đâu đó, một số chủ sở hữu bất động sản chấp nhận bán lỗ nhưng cái giá lỗ đó vẫn chưa khớp với thực tại, chưa phù hợp với người mua, bởi đối tượng mua các bất động sản bằng tiền tươi (không vay ngân hàng) là cực hiếm, do đó câu chuyện lằng nhằng giữa hai bên vẫn là giá cả kéo dài mãi. Cũng từ đó dẫn đến bất động sản cứ tồn đọng, ngân hàng thì vẫn rao bán tài sản đến hàng chục lần mà vẫn không ai đăng ký mua (chỉ xét yếu tố về giá thôi chưa kể đến các yếu tố khác).
Dù rằng, cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế đã có nhiều chính sách, quy định, biện pháp để tháo gỡ, hỗ trợ, thậm chí dùng cả hiện kim với con số lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để bơm vào giải cứu thị trường, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thấy được hiệu quả toàn ngành. Nên chăng, chúng ta cũng cần có một cuộc giải cứu bất động sản theo cái cách mà người ta vẫn giải cứu nông sản nhiều năm qua: giảm giá bán để kích cầu.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.