Không nên coi đất là tài sản tích lũy như vàng, đó là quan điểm của tôi. Đất là tư liệu sản xuất có sẵn, không tự sinh ra được, không nên được xem như một tài sản thông thường. Thông thường, khi nhà nước muốn quy hoạch, đầu tư vào một khu vưc nào đó sẽ có hai mục đích: một là tạo sự phát triển cho khu vực đó, hai là sẽ thu được thuế nhiều hơn. Thế nhưng, vì tình trạng đầu cơ bất động sản, đẩy giá ảo nên cả hai mục đích trên đều không thể đạt được.
Ở các nước phát triển, đúng là các khu nhà trung tâm cũng rất đắt đỏ, nhưng đó là giá trị thực. Đi kèm với không gian sống đắt đỏ là mức thu nhập và công việc kiếm ra tiền của người dân cũng tốt hơn. Còn ở ta, không hiểu sao bây giờ các khu vực nông thôn cũng bị đầu cơ găm đất, đẩy giá lên cao bất hợp lý. Thế nên, Nhà nước nên sớm đánh thuế bất động sản thật cao để những người công nhân, nông dân thu nhập thấp cũng có cơ hội sở hữu nhà ở.
Muốn vậy, chúng ta cần quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, không cho phép các cá nhân tích lũy đất bằng cách đánh thuế bất động sản thứ hai, thuế thừa kế và thuế giao dịch thật nặng. Hiểu một cách rất đơn giản như thế này, nếu bạn mua một lô đất rồi bán qua, bán lại, thì giá trị thực của mảnh đất đó vẫn đó vẫn giữ nguyên, trong khi giá đất lại cứ tăng liên tục. Đồng tiền khi đó chỉ ở trạng thái xoay vòng, chuyển từ người này sang người khác, chứ nó không sinh ra thêm, không tạo ra giá trị được. Hậu quả là sẽ có một bộ phận người giàu lên từ việc nghèo đi của những người khác.
Chỉ cần đánh thuế thật nặng (ít nhất từ 20% giá trị đất) thì sẽ chấm dứt hẳn được nạn đầu cơ đất vốn làm ảnh hưởng xấu tới kinh tế và đẩy người thu nhập thấp vào thế khó khăn như thời gian qua. Ngoài ra, nếu đánh được thuế bất động sản thứ hai, chúng ta cũng sẽ buộc giá đất thị trường về đúng giá trị thực (vì càng ôm nhiều đất thì tiền thuế càng nặng). Như vậy sẽ tạo thuận lợi cho việc thu hồi đất, đền bù, giải tỏa, tái định cư cho các dự án sau này (vì đất đã giá rẻ đi nhiều). Từ đó, tạo đà cho giải quyết ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế và nhiều mặt khác của xã hội.
>> Đánh thuế bất động sản thứ hai lúc này có nhiều bất lợi'
Nếu đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên thì đồng tiền sẽ được lưu thông. Vốn, giá trị đất, trí tuệ sẽ được dồn vào sản xuất vật chất, tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, thúc đẩy xuất khẩu để đem ngoại tệ về. Khi đó, xã hội sẽ cùng giàu lên, đất nước sẽ phát triển hơn.
Còn cứ như hiện nay, nếu có 5 tỷ đồng, liệu bạn có gửi ngân hàng hay đầu tư vào sản xuất kinh doanh không, khi giá đất tháng sau lại tăng gấp đôi tháng trước?
Để giải quyết vấn đề mua bất động sản nhưng không ở, nôm na là lợi ích, đầu cơ... như một số ý kiến đã bình luận, tôi xin đưa ra một giải pháp, đó là kết hợp giữa thu thuế đất và ngân hàng. Cụ thể:
1. Đánh thuế với bất động sản thứ hai, và quy định thời gian mua, bán nhà đất dưới 10 năm phải chịu thuế.
2. Giảm lãi suất vay mua nhà xuống mức 2% với người chưa bao giờ hoặc trên 15 năm chưa mua bán bất động sản nào. Tăng dần lãi suất nếu thời gian mua bán nhà đất ngắn hơn.
3. Thuế thu được của bất động sản thứ hai, và giao dịch liên tục sẽ được đổ về ngân hàng để làm cơ sở giảm lãi vay cho người ở ý thứ hai.
Tóm lại, cái cần của mộtã hội phát triển là lao động và sản xuất, chứ không phải ngồi trên đất chờ sinh sôi ra của cải. Đất không nên được xem là tài sản cá nhân mà hãy coi nó là tài sản chung, của xã hội. Ai muốn sở hữu nhiều bất động sản sẽ phải có trách nhiệm gánh vác thuế lợi nhuận từ đất tương ứng. Có như vậy, xã hội mới phát triển ổn định.
La Xanh
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.