Thời gian gần đây, tôi đọc được nhiều bình luận của các bạn độc giả đang sống ở phương Tây, Nhật Bản... nói nhiều về việc người dân các nước chủ yếu chọn phương án thuê nhà vì họ muốn không phải lo đóng thuế bất động sản quá cao (1-2 % mỗi năm). Luật thuê cũng đảm bảo thời gian được ở dài hơn, cộng với các luật thuế thừa kế có khi tới 50% nên họ cũng không mặn mà mua nhà để tài sản cho con nữa.
Những người này cũng muốn đi đây đi đó, không ở một chỗ cố định, giá nhà cũng tăng rất nhẹ theo các năm nhờ luật thuế chống đầu cơ (phải mua trên 10 năm bán mới có lãi) giúp giá nhà không quá cao, lại được trả góp lãi suất thấp. Rõ ràng với các luật thuế trên, việc có nơi ở, dù thuê hay mua, cũng không khiến người dân bị quá áp lực, và nơi ở của họ cũng tốt và đầy đủ tiện ích như nhau.
Còn nước ta hiện tại thị trường bất động sản đang được thả tự do, với giá tăng gấp ba, gấp năm lần chỉ sau vài năm. Người sở hữu bất động sản cũng không phải chịu thuế cao, nên việc phải mua bằng được căn nhà trở thành sức ép quá lớn lên người trẻ. Mặc dù tỷ lệ sở hữu nhà của nước ta thuộc dạng cao (hơn 88%), nhưng tôi nghĩ chủ yếu là vì các gia đình trẻ không tách khẩu khỏi gia đình bố mẹ ở quê, nên họ vẫn được tiếng sở hữu nhà. Chứ nếu nói họ có thể tự mua được nhà riêng cho gia đình nhỏ của mình thì không.
Thực tế, giá nhà, đất ở Việt Nam đang bị đẩy lên quá cao so với tầm với của đại đa số người dân bình thường. Cũng dễ hiểu thôi, bởi trong chu kỳ " sốt đất", người người, nhà nhà lao vào buôn bất động sản. Họ cứ "sáng mua, chiều bán" kiếm lời nên chẳng trách giá nhà liên tục bị đẩy lên cao. Không thể chấp nhận thực tế rằng một người thu nhập trung bình muốn mua được nhà phải cần tới 45 năm nhịn ăn, nhịn mặc, không tiêu gì.
>> Viễn cảnh 'ở nhà thuê trọn đời' của giới trẻ thời nay
Muốn phá băng thị trường bất động sản, thứ cần nhất bây giờ với chúng ta là biện pháp mạnh tay, đánh các loại thuế nhà, đất để ngăn đầu cơ, thổi giá. Tôi cho rằng, nên đánh thuế với các hoạt động "lướt sóng" bất động sản như thuế ngăn "lướt sóng", chống đầu cơ, thuế đất bỏ hoang, chống phân lô bán nền... trong vòng 5 năm nữa để tránh một chu kỳ sốt đất lặp lại. Các thuế bất động sản khác cũng nên được nghiên cứu và áp dụng trong vòng 7 đến 10 năm nữa để kiểm soát giá đất, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định
Ngoài ra, cũng nên có chính sách hỗ trợ lãi suất trả góp người mua bất động sản đầu tiên và sở hữu lâu dài từ 10 năm trở lên, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, nhà ở cho cán bộ công chức, viên chức... Sau cơn sốt, kể cả đất hay nhà đã xây dựng nhưng bỏ hoang cũng rất nhiều, gây lãng phí nhiều nguồn lực cho xã hội.
Tóm lại, phát triển bất động sản nên có chính sách để phát triển bền vững, không nên cứ để sốt nóng rồi đóng băng, rồi lại giải cứu. Và cứ thế, sau mỗi đợt sóng, bất động sản lại tăng giá gấp đôi, gấp ba, thậm chí đến cả chục lần.
Các nước phát triển bây giờ đều không để tự do thị trường bất động sản, vì hậu quả của nó ai cũng đều biết. Mỹ, Pháp, Đức... cũng đều có các chính sách ngăn đầu cơ, ngăn phân lô bán nền, lướt sóng bất động sản, và đó là thứ chúng ta cũng cần sớm làm theo.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.