Chụp động mạch vành là thủ thuật sử dụng các ống thông chuyên dụng để bơm thuốc cản quang vào trong lòng động mạch vành, qua đó, hiển thị hình ảnh của hệ động mạch vành trên màn hình tăng sáng. Dựa vào các hình ảnh này cho phép bác sĩ đánh giá những tổn thương của hệ động mạch vành như hẹp, tắc, bóc tách, huyết khối...
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Hoàng Trọng Hiếu, khoa Thông tim can thiệp, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chụp động mạch vành là một trong những phương pháp tối ưu giúp chẩn đoán bệnh mạch vành.
Khi nào cần chụp động mạch vành?
Thủ thuật chụp mạch vành thường được chỉ định cho những bệnh nhân sau:
- Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên
- Đau ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim không ST chênh lên
- Đau thắt ngực ổn định
- Người bệnh mạch vành hoặc nghi ngờ có bệnh mạch vành
- Kiểm tra mạch vành trước phẫu thuật tim
- Sau cấp cứu ngưng tim thành công
- Đau ngực tái phát sau can thiệp động mạch vành hoặc sau phẫu thuật làm cầu nối chủ - vành
- Suy tim không rõ nguyên nhân
- Kiểm tra những bất thường bẩm sinh động mạch vành
- Rối loạn nhịp nguy hiểm
- Một số trường hợp đặc biệt khác như nghề nghiệp, lối sống nguy cơ cao, kết hợp thăm dò khác...
Trường hợp nào không nên chụp động mạch vành?
Bác sĩ Trọng Hiếu chia sẻ thêm, gần như không có chống chỉ định tuyệt đối với chụp động mạch vành, chỉ lưu ý những chống chỉ định tương đối như người bệnh trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, người bệnh có tiền sử sốc phản vệ với thuốc cản quang, người bệnh suy thận nặng.
Các bước thực hiện thủ thuật chụp động mạch vành
Bước 1: Gây tê vùng bẹn hoặc cánh tay. Bệnh nhân sẽ tỉnh táo hoàn toàn trong suốt quá trình làm thủ thuật.
Bước 2: Sử dụng một kim chọc đặc biệt đâm vào động mạch đùi hoặc động mạch quay. Đặt một ống dẫn (introducer sheath) vào động mạch đùi hoặc động mạch quay.
Bước 3: Qua introducer sheath, luồn ống thông từ động mạch đùi hoặc động mạch quay đến động mạch chủ, vào động mạch vành của tim dưới sự hướng dẫn của X-quang.
Bước 4: Bơm thuốc cản quang động mạch vành phải và trái để chụp động mạch vành sẽ phát hiện chỗ hẹp hay tắc động mạch vành.
Trước khi chụp động mạch vành, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm như công thức máu, chức năng đông máu toàn bộ, chức năng thận, điện giải đồ, ECG, siêu âm tim, X-quang phổi... theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo đủ sức khỏe thực hiện thủ thuật. Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất bốn giờ trước khi làm thủ thuật (trừ trường hợp cấp cứu nhồi máu cơ tim cấp).
Chụp động mạch vành có nguy hiểm không?
"Chụp động mạch vành cản quang qua da là phương pháp tốt nhất giúp bác sĩ phát hiện và đánh giá mức độ tổn thương, tắc nghẽn của động mạch vành. Tuy nhiên, việc chụp động mạch vành vẫn tiềm ẩn một số biến chứng, song tỷ lệ xảy ra biến chứng thấp và có thể chấp nhận được", bác sĩ Trọng Hiếu nói thêm.
Một số biến chứng có thể gặp trong và sau khi chụp động mạch vành từ nhẹ đến nặng như bầm máu chỗ chích ở động mạch đùi hay mạch quay, dị ứng thuốc cản quang, suy giảm chức năng thận, nhiễm trùng, rối loạn nhịp, tràn máu màng tim, ngưng tim. Tuy nhiên, bác sĩ luôn cảnh giác và chuẩn bị sẵn các phương tiện để xử trí kịp thời nếu có biến chứng xảy ra.
Sau khi thực hiện chụp động mạch vành, bệnh nhân cần ở lại bệnh viện để theo dõi 24 giờ và báo ngay cho nhân viên y tế khi có những dấu hiệu bất thường như mệt, chóng mặt, khó thở, tức ngực, sưng căng chỗ chích, tiểu không được, tê hoặc mất cảm giác ở tay hoặc chân phía bên chích,..
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi có biểu hiện đau thắt ngực từng cơn, gắng sức, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch để được khám và làm các xét nghiệm. Trong trường hợp cấp cứu, đau ngực trên 15 phút, chụp mạch vành sẽ cho kết quả nhánh mạch vành bị tắc. Nong mạch vành khẩn cấp đã cứu sống hàng triệu người và giảm hậu quả suy tim về lâu dài.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh triển khai kỹ thuật MSCT mạch vành bằng máy chụp CT 768 lát cắt Somatom Drive nhập khẩu từ Đức. Theo bác sĩ Trọng Hiếu, đây là hệ thống CT hai đầu bóng cao cấp nhất hiện nay với khả năng tái tạo lên đến 768 lát cắt giúp đánh giá được những tổn thương nhỏ nhất, nhất là có thể đánh giá bất thường trong lòng động mạch lẫn thành động mạch vành, phát hiện và khảo sát hình thái hoặc cấu trúc của mảng xơ vữa, phát hiện sớm bệnh mạch vành.
Tốc độ chụp lên đến 458mm/s và độ phân giải thời gian vật lý chỉ 75 ms cho phép khảo sát tim mạch với mọi nhịp tim và thời gian khảo sát cho mọi bộ phận trong cơ thể với thời gian chụp rất nhanh, thậm chí bệnh nhân không cần nín thở. Máy dễ dàng khảo sát tình trạng bệnh nhi, người lớn tuổi hoặc bệnh nhân cấp cứu.
"Nhờ được trang bị thêm bộ lọc tia Tin filter, Somatom Drive là hệ thống CT với liều tia thấp nhất hiện nay giúp bệnh nhân không phải lo lắng nhiều khi có chỉ định chụp CT khảo sát bệnh lý", bác sĩ Trọng Hiếu nói thêm.
Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, từng làm việc ở nhiều viện hoặc bệnh viện có tiếng như Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh; Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến; Bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên (cố vấn phẫu thuật tim); Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Hùng; Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng; Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Ngọc Long; Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Năng Phúc; Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Duyên; Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thanh Hằng; Bác sĩ Nguyễn Đức Hưng; Bác sĩ Nguyễn Phạm Thùy Linh; Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thục Minh Thủy; Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Khiêm Huy; Bác sĩ chuyên khoa II Võ Ngọc Cẩm, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Khiêm Thao; Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Thị Bình; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh...
Đội ngũ bác sĩ cùng hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến hỗ trợ bác sĩ phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị kịp thời bệnh mạch vành và các bệnh tim mạch cho mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến người lớn, người cao tuổi...
(Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Bạn có thể liên hệ đặt lịch khám với các chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh:
- Hà Nội:
Địa chỉ: 108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội
Hotline: 1800 6858
- TP HCM:
Địa chỉ: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM
Hotline: 0287 102 6789
Fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Xem thêm kiến thức tim mạch tại đây.