Sự nỗ lực của bệnh nhân cùng tấm lòng nhiệt huyết, trình độ tay nghề cao của đội ngũ bác sĩ tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (IVFTA) đã giúp hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn có được nụ cười hạnh phúc khi được nghe những tiếng cười, tiếng khóc trẻ thơ.
Thành công sau một thập kỷ chạy chữa
Chị Nguyễn Thị Minh Lụa (thị trấn Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) đã khiến không ít người xúc động khi trải qua một hành trình tìm con đầy gian nan. Dù chỉ mới chạm ngưỡng tuổi 30, chị đã có đến 2 lần mang thai ngoài tử cung, 4 lần sảy thai, phải cắt bỏ 2 vòi trứng và không còn đủ khả năng mang thai tự nhiên. Chị Lụa từng có những ngày tháng suy sụp, khóc ngất khi nhận tin dữ ấy.
9 năm dài đằng đẵng tìm con, chạy trốn hàng nghìn câu hỏi "có gì chưa" từ những người xung quanh, chị từng nghĩ đến việc bỏ cuộc để chồng đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng may mắn, chồng và mẹ chồng vẫn luôn động viên, an ủi để chị được tiếp thêm sức mạnh, kiên trì chữa bệnh.
Tưởng như đi vào ngõ cụt, vợ chồng chị đến khám tại IVFTA. Được bác sĩ Lê Hoàng và ê-kíp tận tâm thăm khám, sử dụng hệ thống trang thiết bị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á, ngay lần đầu thụ tinh ống nghiệm (IVF), chị Lụa đã thành công. "Lần đầu được trải nghiệm cảm giác làm cha mẹ, niềm hạnh phúc của chúng tôi giờ đây không gì diễn tả được", chồng chị Lụa nghẹn ngào khi nhận kết quả vợ đã mang thai.
Một trường hợp khác là chị Phạm Thúy Bé (Quảng Ninh) với 14 năm chữa trị, 6 lần IVF thất bại. Chị được chẩn đoán tắc vòi tử cung, không thể mang thai tự nhiên như bao người phụ nữ khác.
"Nhiều lần rơi vào tuyệt vọng, bế tắc, tôi đã nghĩ rằng ông trời nghiệt ngã đã không mình thực hiện thiên chức làm mẹ. Nhưng rồi như có phép màu, may mắn gặp được bác sĩ Lê Hoàng và các đồng sự tại bệnh viện Tâm Anh, niềm mong mỏi của tôi trở thành hiện thực, thiên thần bé nhỏ đến với tôi như một giấc mơ", chị Bé xúc động tâm sự.
Đạt kỳ tích nhờ phẫu thuật điều trị bệnh lý ở phụ nữ
Đội ngũ y, bác sĩ tại IVFTA đã chứng kiến không ít trường hợp bệnh nhân mang trong mình những bệnh lý trực tiếp ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ. Tuy nhiên, vì không được phát hiện hay ngần ngại chưa phẫu thuật điều trị bệnh nên tỷ lệ thành công khi thực hiện IVF ở các ca này rất thấp. Do đó, theo bác sĩ Lê Hoàng, việc thăm khám và chữa trị bệnh lý trước thụ tinh ống nghiệm đóng vai trò rất quan trọng, tác động tới tỷ lệ thành công.
Điển hình như một bệnh nhân nữ 52 tuổi, vô sinh thứ phát (vô sinh khi trước đây đã có ít nhất 1 lần mang thai), đã từng làm IVF nhiều lần tại nhiều cơ sở khác nhau nhưng không thành công. Đến với IVFTA, chị được bác sĩ thăm khám và phát hiện dính buồng tử cung và có nhân xơ tử cung.
"Với những ca như thế này, nếu không làm phẫu thuật điều trị bệnh lý trước (bao gồm nội soi tách dính và tạo hình buồng tử cung, nội soi cắt nhân xơ tử cung) thì làm IVF bao nhiêu lần đi chăng nữa cũng rất khó mà thành công được", bác sĩ Lê Hoàng chia sẻ.
Nhờ thực hiện phẫu thuật nội soi, buồng tử cung của chị đã dần bình thường, niêm mạc tử cung phát triển tốt và thành công trong quá trình làm IVF. Vài tháng nữa, chị Bé sẽ chào đón người con trong niềm hạnh phúc vô bờ, đặc biệt trước đó không lâu, gia đình chị phải gánh chịu nỗi đau mất 2 người con vì tai nạn.
Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ, Thầy thuốc nhân dân Lê Hoàng, Giám đốc IVFTA cho biết: "Bí quyết để làm IVF thành công phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở điều trị hiếm muộn. Tại bệnh viện Tâm Anh, tỷ lệ thành công đạt trung bình trên 50%, thuộc hàng cao ở Việt Nam. Bên cạnh các bí quyết quan trọng khác thì kỹ thuật nuôi phôi tới ngày 5-6 mới chuyển vào tử cung cũng là sự khác biệt giúp nâng cao tỷ lệ có thai ở các ca IVF. Kỹ thuật này đòi hỏi trang thiết bị hiện đại, chuyên gia, bác sĩ thực hiện phải có trình độ và kinh nghiệm cao".
(Nguồn: Bệnh viện Tâm Anh)