Bài viết "Bắt học sinh đánh vật với tích phân, đạo hàm" làm tôi nhớ tới một câu chuyện năm 1996. Khi đó, tôi gặp một người bạn từ Australia, người đó hỏi tôi "có biết tiếng Anh không?". Tôi trả lời rằng "biết sơ sơ". Người đó phản bác: "vậy là biết hay không biết? Biết tức là không cần giỏi, nhưng tối thiểu phải nói được, nghe được và hiểu được. Còn không nghĩa là không biết, chứ không có vụ biết sơ sơ".
Với tôi, kiến thức phải mang tính ứng dụng, ít nhất là áp dụng được cho các cuộc trao đổi, tranh luận hoặc tương lai sau này có dịp dùng đến. Còn kiến thức mà không áp dụng được thì chỉ là kiến thức rỗng, chỉ để chứng tỏ ta đây học nhiều, hiểu biết nhiều, mà thực tế là không biết gì cả. Đó không phải là kiến thức mà chỉ là một mớ hỗn độn, tạp nham, mà người ta cố nhồi nhét vào đầu.
Việc học của chúng ta lâu nay phần lớn là để đối phó với thi cử, rất nhiều lý thuyết sáo rỗng, nhưng nhiều người cố chấp, không chịu thừa nhận. Tôi sẽ kể vài câu chuyện mà bản thân từng trải qua:
Năm 1993, tốt nghiệp phổ thông thi môn Sinh (môn chọn ngoài ba môn bắt buộc là Toán , Văn, Ngoại Ngữ - hồi đó chỉ thi bốn môn). Thế nên, năm 1994 chắc chắn sẽ không thi Sinh nữa. Thế là cô giáo tôi cho cả lớp quay cóp thoải mái ở các bài kiểm tra 15 phút, 45 phút. Tất cả học sinh trong lớp tôi vì thế đều được 8 điểm trở lên.
Năm đó (1994), chúng tôi thi môn Lý, trường dành nhiều thời gian để luyện các phần thi tốt nghiệp như điện xoay chiều, giao động cơ... mà bỏ hẳn phần quang và vật lý hạt nhân (hai phần này không có trong giới hạn ôn tập thi tốt nghiệp THPT).
Với môn Hóa học, dù tôi luôn xếp loại khá (trung bình 7-8 điểm) nhưng thi đại học thì lại không làm được bài. Năm sau, tôi luyện thi lại ở nhà một giáo sư riêng rất nổi tiếng, chỉ cần ba tuần là thầy dạy đủ toàn bộ kiến thức của ba năm học cấp ba (đại cương, vô cơ, hữu cơ). Ở đây là dạy một cách có hệ thống, có căn cơ, và sâu hơn học sách giáo khoa rất nhiều.
Vậy đó, nhiều người nói học sinh Việt là "luyện gà" quả không sai. Chúng ta học để thi, học để lên lớp, chứ không phải để áp dụng vào thực tế.
>> Những 'siêu nhân' lý thuyết tích phân, đạo hàm
Không ai phủ nhân giá trị của Toán học nói chung và đạo hàm, tích phân nói riêng. Nhưng nó là công cụ tính toán của các kỹ sư, nhà kinh tế, chỉ thích hợp cho học sinh phân ban, lớp chuyên Toán, Đại học và sau đại học. Giáo trình phổ thông không nên đi sâu vào những bài toán đánh đố. Thử hỏi tìm phương trình đường tiếp tuyến, đường thẳng, đường cong... làm gì khi đa số chúng ta có bắt gặp chúng trong cuộc sống đâu?
Có thể nói, học sinh Việt học lý thuyết rất cao siêu, giải Toán ầm ầm, nhưng không bao giờ biêt những bài toán đó dùng để làm gì (có người cho rằng để rèn luyện tư duy, để sàng lọc phân loại hoạc sinh... rất nực cười). Câu chuyện người Việt không thể chế tạo được cái ốc vít chính là hệ quả của việc chúng ta cứ ủng hộ cách dạy học chăm chăm vào những thứ vô bổ mấy chục năm nay. Một câu hỏi muôn thuở: học để quên, không xài được thì học làm gì?
Tôi chưa bao giờ nói toán phổ thông quá khó, chỉ là có nhiều phần kiến thức được dạy kiểu máy móc, không áp dụng thực tiễn được nhiều, học xong không dùng được, dạy đại trà như thế rất không nên. Những phần này chỉ nên dạy cho học sinh lớp chuyên, lớp phân ban, hay lên Đại học thì hợp lý hơn.
Tôi thấy không ít giáo sư, chuyên gia, kỹ sư, bác sĩ... đã lên tiéng về các bất cập của giáo dục. Bản thân tôi có một người bạn là Giám đốc công ty xây lắp (thuộc Tổng công ty xây dựng), một Giám đốc công ty lữ hành có tiếng ở Sài Gòn, một Trưởng phòng của tổng công ty điện lực... Tôi từng hỏi những người này rằng "có còn nhớ gì về đạo hàm, tích phân không?". Kết quả, họ mắng tôi "rảnh đâu mà nhớ mấy cái đó". Phải chăng đó là giá trị của tích phân, đạo hàm?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.