Bàng quang tăng hoạt xảy ra do cơ bàng quang co bóp không đúng lúc, dẫn đến cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên, đột ngột và khó kiểm soát. Nếu tổng số lần đi tiểu trên 8 lần mỗi ngày hoặc trên hai lần vào ban đêm, đi kèm triệu chứng tiểu gấp, són tiểu thì khả năng cao liên quan đến hội chứng bàng quang tăng hoạt.
TS.BS Lê Phúc Liên, Trưởng đơn vị Niệu nữ, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ước tính khoảng 10-15% phụ nữ trên thế giới chịu ảnh hưởng bởi các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Tuy không phải là bệnh nhưng bàng quang tăng hoạt gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Có nhiều phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt, trong đó kích thích thần kinh chày được ứng dụng rộng rãi, theo bác sĩ Liên. Thông thường, bàng quang chứa đầy nước tiểu và căng lên tạo tín hiệu thần kinh gửi về não bộ, tạo ra cảm giác muốn đi tiểu. Tuy nhiên, do các tín hiệu không chính xác nên bàng quang co bóp cả khi chưa đầy hoặc không có nước tiểu, dẫn tới các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
Kích thích dây thần kinh chày là liệu pháp xâm lấn tối thiểu, dựa trên cơ chế điều hòa, thay đổi hoạt động của dây thần kinh chày nằm phía sau chân, là một phần của bó dây thần kinh điều khiển hoạt động co bóp của bàng quang, thông qua xung điện.
Bác sĩ đặt một điện cực ở vùng mắt cá chân, một điện cực ở lòng bàn chân của người bệnh. Khi hoạt động, hai điện cực tạo ra dòng điện nhẹ xuyên qua da, điều chỉnh lại hoạt động của các dây thần kinh điều khiển sự co bóp của bàng quang. Do rất ít xâm lấn, ít gây đau nên liệu pháp này không yêu cầu gây mê, gây tê.
Một liệu trình kích thích dây thần kinh chày kéo dài 3 tháng, một lần mỗi tuần. Tùy từng trường hợp, bác sĩ chỉ định liệu trình, thời gian điều trị phù hợp.
Nghiên cứu năm 2023 tại Australia trên 166 phụ nữ mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt cho thấy sau hai liệu trình điều trị kích thích dây thần kinh chày, số lần đi tiểu của người bệnh giảm đến 56,5% so với trước.
Kích thích dây thần kinh chày được chỉ định trong trường hợp các bài tập điều chỉnh hành vi (tập bàng quang, tập sàn chậu) và tiêm botox cơ bàng quang không hiệu quả. Phương pháp này không được chỉ định cho phụ nữ mang thai, đang cấy ghép máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim, mắc rối loạn chảy máu, có tiền sử tổn thương thần kinh.
Theo bác sĩ Liên, để tăng hiệu quả điều trị với liệu pháp kích thích dây thần kinh chày, phụ nữ nên kết hợp thay đổi thói quen sinh hoạt gồm tránh thực phẩm có khả năng kích thích bàng quang (rượu, bia, nước ngọt có gas, trà, cà phê, thức ăn cay nóng, đồ lên men...); bổ sung chất xơ (rau xanh, khoai lang, các loại hạt...). Tập luyện trì hoãn đi tiểu để tăng dần khả năng trữ nước của bàng quang, tập thói quen đi tiểu đúng giờ và tập sàn chậu.
Phụ nữ gặp các triệu chứng bàng quang tăng hoạt nên sớm đến bệnh viện khám để được điều trị phù hợp.
Thắng Vũ