Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân, khoa Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết khi tiếp xúc với thời tiết lạnh, cơ thể có những thay đổi sinh lý để tự bảo vệ và tối ưu hóa chức năng của các cơ quan. Những phản ứng này có lợi cho sức khỏe tổng thể nhưng có thể tác động tiêu cực đến hệ tiết niệu.
Nhiệt độ lạnh khiến cơ bắp co lại và căng lên để giữ ấm, ảnh hưởng đến cơ sàn chậu, có thể gây thêm áp lực lên bàng quang, làm tăng các triệu chứng rối loạn tiểu.
Tình trạng lợi tiểu do lạnh cũng có thể xảy ra. Nhằm giảm lượng nhiệt bị mất, các mạch máu gần bề mặt da co lại, tăng lượng máu lưu thông đến các cơ quan quan trọng hơn. Lúc này thận phải tăng hoạt động để lọc nhiều chất lỏng thừa hơn, kết quả là tăng sản xuất nước tiểu, gây buồn tiểu thường xuyên. Mọi người cũng có xu hướng đổ mồ hôi ít hơn vào mùa đông, khiến thận phải lọc nhiều nước, bàng quang đầy nhanh hơn so với mùa hè.
Theo bác sĩ Tân, những thay đổi trên có thể dẫn đến hai bệnh tiết niệu thường gặp vào mùa đông là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) và nhiễm trùng đường tiết niệu.
Bàng quang tăng hoạt (OAB) là tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi cảm giác buồn tiểu đột ngột, không kiểm soát. Người mắc bệnh có thể gặp các triệu chứng như tiểu nhiều lần, tiểu gấp và không tự chủ, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. OAB có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến ở người lớn tuổi.
Nguyên nhân chính xác của OAB vẫn chưa được hiểu đầy đủ nhưng có liên quan đến những thay đổi trong cơ bàng quang và các dây thần kinh kiểm soát chức năng bàng quang. Những thay đổi này có thể do tuổi tác, mất cân bằng nội tiết tố, rối loạn thần kinh hoặc các tình trạng bệnh lý khác. Thời tiết lạnh cũng có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng bệnh.
Một nghiên cứu năm 2019 do Tạp chí Tiết niệu Quốc tế thực hiện chỉ ra rằng trời lạnh có xu hướng kích hoạt các triệu chứng OAB nhiều hơn thời tiết ấm áp, vì chứng lợi tiểu do lạnh. Khi nước tiểu được sản xuất nhiều hơn, các triệu chứng OAB có thể nghiêm trọng hơn. Khi cơ thể ấm lên và bắt đầu điều trị, triệu chứng sẽ giảm.
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là bệnh nhiễm trùng xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu, bao gồm thận, bàng quang, niệu quản, niệu đạo. UTI phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới và có thể do nhiều loại vi khuẩn gây ra, chủ yếu là E. coli.
Bệnh có nhiều triệu chứng như đau hoặc rát khi tiểu, tiểu thường xuyên, nước tiểu đục hoặc có mùi hôi, đôi khi sốt hoặc ớn lạnh. Trong một số trường hợp, nhiễm trùng tiểu không điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hơn như tổn thương thận hoặc nhiễm trùng huyết.
Theo bác sĩ Tân, thời tiết lạnh không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiễm trùng tiểu nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Khi lạnh, mọi người uống ít nước hơn, làm giảm tần suất đi tiểu, tăng nồng độ vi khuẩn trong đường tiết niệu dẫn đến nhiễm trùng. Trong những tháng mùa đông, mọi người có xu hướng nhịn tiểu lâu hơn và mặc nhiều lớp quần áo hơn, tạo ra môi trường nóng ẩm có lợi cho vi khuẩn phát triển. Thời tiết lạnh cũng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại các bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng tiểu.
Để bảo vệ sức khỏe hệ tiết niệu vào mùa đông, bác sĩ Tân lưu ý mọi người giữ ấm cơ thể, ngăn chứng lợi tiểu do lạnh.
Tránh nhịn tiểu và uống đủ nước giảm nguy cơ mắc UTI và giảm các triệu chứng OAB. Uống đủ nước cũng giúp cơ thể điều chỉnh nhiệt độ, giảm nguy cơ hạ thân nhiệt hoặc các bệnh liên quan đến cảm lạnh khác. Người ít uống nước lọc có thể thử một số loại trà thảo dược.
Ăn uống cân bằng, giàu trái cây và rau quả, đồng thời duy trì thói quen tập thể dục. Bỏ hút thuốc bởi đây là thói quen không tốt cho sức khỏe tổng thể lẫn hệ tiết niệu. Hút thuốc làm co mạch máu, khiến tình trạng này trầm trọng hơn khi thời tiết lạnh. Thuốc lá cũng kích ứng bàng quang và hệ tiết niệu, có thể dẫn đến một số biến chứng lâu dài.
Người xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau rát khi tiểu, tiểu máu, tiểu gấp thường xuyên... nên đến bác sĩ tiết niệu khám.
Anh Ngọc
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |