Tâm điểm chú ý trên mạng xã hội sáng nay là những hình ảnh dòng xe cộ đứng "chôn chân" trên tuyến đường Tố Hữu - Lê Văn Lương (Hà Nội) vào giờ cao điểm cùng những than phiền trong vô vọng của cánh tài xế. Trong khi xe máy, ôtô phải nối đuôi nhau nhích từng mét, thì bên làn đường của BRT lại bị bỏ không. Đây là cung đường có làn riêng dành cho tuyến buýt nhanh BRT 01 hoạt động. Tuy nhiên, hiệu quả của phương tiện công cộng này đến nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn, trong khi những bức xúc của người tham gia giao thông lại ngày một tăng cao.
Theo báo cáo của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, trong 5 năm vận hành, sản lượng tốt nhất của BRT là 5,5 triệu lượt khách, bình quân 42 khách một chuyến (năm 2019). Con số này so với công suất thiết kế là 90 khách một chuyến vẫn chưa bằng một nửa. Về thời gian di chuyển, nếu 5,5 triệu lượt hành khách kia được lợi một giờ đồng hồ, thì ở hai làn đường còn lại, khoảng 20 triệu lượt hành khách khác phải chen chúc trong cảnh ùn tắc, và chậm mất một giờ tương ứng. Như vậy, mục tiêu tiết kiệm thời gian chờ cho xã hội đã không đạt được, nếu không muốn nói là thất bại.
Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn những dự án BRT đến nay vẫn chưa đạt được những hiệu quả như kỳ vọng, chưa đạt mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của thành phố. Trực tiếp tham gia giao thông qua khu vực náy, ai cũng có thể nhận thấy tình trạng tắc đường không những không giảm mà còn tăng lên khi diện tích đường bị thu hẹp lại để nhường làn riêng cho BRT (vốn rất thưa chuyến). Thực tế đó tạo nên cảnh tượng chéo nghoe khi đường rộng lại bị bỏ không một làn.
>> Ai giải cứu xe buýt nhanh BRT
Thực ra, Hà Nội đã cho lắp đặt nhiều camera phạt nguội trên cung đường này, nhưng tình trạng chạy vào làn BRT vẫn diễn ra vào những khung giờ cao điểm ùn tắc, đặc biệt là đối với phương tiện xe máy. Đơn giản là vì họ không còn lựa chọn nào khác. Ngay cả lực lượng CSGT cũng nhiều lần phải hướng dẫn các phương tiện đi vào làn này để giải tỏa áp lực giao thông tạm thời. Tất cả những bất cập nó đều đến từ việc thiết kế làn riêng cho BRT trong khi hiệu quả thực tế quá thấp.
Ngay thời điểm đưa BRT 01 vào vận hành, nhiều chuyên gia giao thông đô thị cũng đã bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả của dự án này do nảy sinh quá nhiều bất cập dễ nhận thấy. Tuy nhiên, bỏ ngoài tai tất cả, mọi thứ vẫn diễn ra và sau nhiều năm hoạt động, những hạn chế vẫn còn y nguyên. Nhũng điều chỉnh theo kiểu nửa vời vô tình khiến BRT trở thành cái gái trong mắt người tham gia giao thông. Xe chạy không nhanh, chở không nhiều, nhu cầu quá ít, mà nghiễm nhiên chiếm mất một làn đường, gián tiếp góp phần khiến tình trạng ùn tắc càng thêm căng thẳng.
Với việc "độc chiếm" một làn đường nhưng hiệu quả khai thác quá thấp như vậy, BRT từ một giải pháp cho giao thông thành phố, nay lại trở thành gánh nặng với người dân thủ đô. Nhìn làn đường trống không giờ cao điểm, tôi mới thấy sự lãng phí của hạng mục đầu tư này. Nếu không có làn đường bỏ trống kia, có khi đường không tắc đến thế, người dân cũng không khổ đến vậy.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.