Dù thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính góp phần gây ung thư phổi nhưng không phải tất cả những người mắc bệnh lý này đều có tiền sử hút thuốc lá. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, khoảng 10-20% các ca ung thư phổi hàng năm xảy ra ở những người chưa bao giờ hút thuốc hoặc hút ít hơn 100 điếu thuốc trong đời.
Mặc dù tránh xa thuốc lá sẽ giúp giảm khả năng mắc ung thư phổi nhưng một số yếu tố nguy cơ khác vẫn có thể gây ra những thay đổi hoặc đột biến trong tế bào phổi. Các thay đổi này dẫn đến sự phát triển bất thường của tế bào và đôi khi gây ung thư.
Các nhà khoa học đã tìm ra một số yếu tố góp phần gây ung thư phổi ở những người chưa bao giờ sử dụng thuốc lá.
Hít phải khói thuốc (hút thuốc lá thụ động): dù không hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc vẫn làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, mỗi năm có khoảng 7.000 người trưởng thành tử vong vì ung thư phổi do hít phải khói thuốc lá.
Khí radon: radon là một loại khí phóng xạ không màu, không mùi, được sinh ra từ quá trình phân hủy uranium trong đất và đá. Radon thường có trong không khí ngoài trời nhưng chúng cũng có thể được tìm thấy với số lượng tập trung trong một số ngôi nhà xây dựng trên phần đất có mỏ uranium. Theo cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), radon là yếu tố hàng đầu góp phần gây ung thư phổi ở những người không hút thuốc lá tại quốc gia này.
Các tác nhân gây ung thư tại nơi làm việc: những người tiếp xúc lâu dài và lặp đi lặp lại với các tác nhân gây ung thư tại nơi làm việc như asen, uranium, amiăng, khí thải diesel, kim loại nặng... có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn người bình thường.
Ô nhiễm không khí: ở các thành phố lớn, tình trạng ô nhiễm không khí dường như có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc ung thư phổi.
Đột biến gen: một số thay đổi nhất định trong tế bào phổi có thể khiến tế bào tăng trưởng bất thường, từ đó dẫn đến ung thư.
Người không hút thuốc vẫn có nhiều khả năng mắc ung thư phổi do các yếu tố khác. Vì vậy, bất kỳ ai cũng nên duy trì lối sống lành mạnh và áp dụng một số phương pháp để giảm thiểu nguy cơ gặp phải bệnh lý này. Kiểm tra lượng radon trong nhà, tránh khói thuốc lá và các tác nhân ung thư tại nơi làm việc sẽ giúp hạn chế đáng kể yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi ở người không hút thuốc.
Một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn nhiều trái cây và rau xanh có thể giúp bảo vệ cả người hút thuốc và người không hút thuốc trước căn bệnh ung thư phổi. Nếu có người thân trong gia đình mắc ung thư phổi thì bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cách giữ gìn sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
Phương Quỳnh
(Theo American Cancer Society, Yale Medicine)