Khoảng 15 năm trước, bà Hồ Thị Nê (quận Tân Phú) hay tăng huyết áp thất thường, đau đầu, chóng mặt... nên đi khám, phát hiện suy thận mạn giai đoạn một. Đến nay, bệnh tiến triển sang suy thận mạn giai đoạn 3 (3 trong 5 giai đoạn).
Giữa tháng 6/2023, bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám bệnh suy thận định kỳ và được tầm soát sức khỏe, kiểm tra biến chứng. Bác sĩ phát hiện thùy phải tuyến giáp của người bệnh có u kích thước một cm, tăng sinh mạch máu nhẹ, có "chân" xâm lấn vỏ bao mặt trước, phân loại TIRADS 5 (đánh giá bướu giáp dựa trên siêu âm), tức nguy cơ ác tính trên 80%. Nghi ngờ ung thư, bác sĩ tiếp tục chỉ định chọc kim vào khối u để lấy tế bào xét nghiệm (FNAC), kết quả là carcinom tuyến giáp dạng nhú.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Bá Tấn (khoa Ngoại Vú) trấn an bệnh nhân vì ung thư tuyến giáp loại carcinom dạng nhú thường có tiên lượng tốt. Do bướu của người bệnh xâm lấn ra ngoài vỏ bao tuyến giáp nên cần phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp.
Ngày 21/6, bác sĩ Tấn cùng ê kíp bác sĩ khoa Ngoại Vú của bệnh viện phẫu thuật lấy u tuyến giáp cho người bệnh. Là bác sĩ ngoại khoa ung thư và tạo hình thẩm mỹ có nhiều năm kinh nghiệm, bác sĩ Tấn lựa chọn vị trí rạch da trùng với nếp gấp cổ để vết sẹo đẹp nhất có thể. Trong 30 phút phẫu thuật, nhờ sự hỗ trợ của dao siêu âm hiện đại, bác sĩ cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bảo tồn đầy đủ các tuyến cận giáp và dây thần kinh thanh quản hai bên, rất ít chảy máu. Nhờ lớp keo sinh học dán hai mép vết mổ mà người bệnh không cần thay băng mỗi ngày và có thể tắm ngay sau mổ.
Những giờ đầu sau phẫu thuật, bà Nê khỏe, tươi tỉnh, sinh hoạt, tắm rửa mà không sợ nước dính vào vết thương. Bà được xuất viện sau 24 giờ với tình trạng đau nhẹ vết mổ, không khàn tiếng và tê tay chân. Đây là các biến chứng thường gặp nhất sau mổ cắt toàn bộ tuyến giáp. Bác sĩ khuyên người bệnh không kiêng cữ, ăn đầy đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe. Người bệnh tránh nắng chiếu vào vết thương, sử dụng khăn choàng hoặc kéo áo che kín cổ mỗi khi ra ngoài để sẹo mổ mau mờ.
Bà chia sẻ, lúc bác sĩ thông báo bà bị ung thư tuyến giáp, bà vừa lo lắng vừa tự trấn an "nhờ tầm soát sức khỏe mới phát hiện bệnh giai đoạn sớm". Bà gọi điện thoại cho con gái thông báo tình trạng bệnh và đặt lịch phẫu thuật ngay.
"Tôi có hai cháu, lúc nào cũng quấn quýt. Nếu tôi chỉ chú tâm lo lắng bệnh tật thì không còn thời gian vui cùng con cháu. Tuổi càng cao thì nguy cơ bệnh tật cũng cao, quan trọng phải tầm soát định kỳ và bình tĩnh đón nhận", bà Nê nói thêm.
Theo bác sĩ Tấn, sau phẫu thuật, người bệnh ung thư tuyến giáp có thể điều trị thêm với iốt phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư sót lại và giảm nguy cơ ung thư tái phát. Nhờ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, kết quả giải phẫu bệnh cho thấy khối u mới xâm lấn ra ngoài, chưa di căn hạch hay ăn vô cơ quan khác, nguy cơ tái phát thấp nên bà Nê không cần dùng thêm phương pháp uống iốt phóng xạ. Do cắt trọn tuyến giáp nên không còn hormone tuyến giáp cho các hoạt động của cơ thể và bà cần dùng thuốc nội tiết suốt đời. Thuốc nội tiết không ảnh hưởng đến thận.
Bướu cổ ác tính có thể điều trị thành công nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Trong khi đó, ở các giai đoạn trễ, khi khối u đã lan đến mô mềm ở cổ, hạch bạch huyết và di căn đến phổi, xương... việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Ở giai đoạn đầu, ung thư tuyến giáp không gây ra triệu chứng, thường được phát hiện tình cờ qua siêu âm cổ. Triệu chứng sẽ xuất hiện khi bướu ác tính tiến triển như: khối u ở cổ, khàn giọng, hạch cổ...
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp gồm: giới tính (phụ nữ nhiều hơn nam giới), tiếp xúc mức bức xạ cao (điều trị bằng tia xạ lên vùng đầu và cổ), một số hội chứng di truyền (Cowden, bệnh đa polyp tuyến...).
Bác sĩ Tấn chia sẻ thêm, ung thư tuyến giáp dạng nhú có tiên lượng tốt, điều trị chủ yếu bằng phẫu thuật. Cắt tuyến giáp không phải là phẫu thuật khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và được đào tạo bài bản để giảm tối đa biến chứng sau mổ. Phẫu thuật viên ung thư có kinh nghiệm giúp kết quả điều trị tốt.
Đức An
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.